Nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

NDO -

Hội thảo khoa học: "Một số vấn đề lý luận-thực tiễn về phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới" do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn ra sáng 27/4, tại Hà Nội.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận-thực tiễn mới và cấp thiết về phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII -0
 GS,TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, cơ quan khoa học...  GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, GS,TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp cho Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII -0
 GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương lớn của Đảng được nêu trong Nghị quyết 13-NQ/TW ban hành ngày 18/3/2002 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể". Sau 20 năm thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều thay đổi cả về vai trò, vị trí cũng như hình thức tổ chức, quản lý.

Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2021, cả nước có 18.327 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm gần 70% hợp tác xã cả nước) và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới xuất hiện với nhiều hình thức hoạt động năng động, đạt hiệu quả cao về kinh tế, làm hạt nhân xây dựng các cộng đồng nông thôn đoàn kết, gắn bó, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải có những điều chỉnh sáng tạo để tiếp tục khắc phục những tồn tại, yếu kém, phát huy những thành tựu đã đạt được; đồng thời, có bước phát triển mới, góp phần xứng đáng vào quá trình đổi mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS,TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương mong muốn các ý kiến tập trung thảo luận sâu, đưa ra các giải pháp có tính then chốt nhằm phát triển hợp tác xã nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới; tập trung giải quyết các "điểm nghẽn" của thể chế, để kết quả của hội thảo có những đóng góp thực sự quan trọng vào đường lối, chủ trương của Đảng...

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng với 23 tham luận là các công trình nghiên cứu dày dặn, công phu. Nhiều ý kiến sâu sắc cả về lý luận, thực tiễn về sự vận hành, phát triển hợp tác xã nói chung và hợp tác xã nông nghiệp nói riêng những năm qua đã được trình bày, thảo luận sôi nổi, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII.