Nhà cung cấp dịch vụ kêu khó
Theo Phòng chăm sóc khách hàng của Trung tâm Thông tin di động khu vực 1 (VMS1) từ đầu năm đến nay đã có gần hai nghìn khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ của mạng di động MobiFone, trong đó chủ yếu là những phản ánh, bức xúc liên quan việc di động mất liên lạc, sóng yếu... Trưởng phòng kỹ thuật (VMS1) Nguyễn Xuân Nghĩa cho biết chỉ tính riêng khu vực Hà Nội với tốc độ phát triển thuê bao nhanh như hiện nay thì để bảo đảm phủ sóng hoàn toàn khu vực này, cần phải có 900 trạm BTS.
Thế nhưng hiện nay MobiFone mới chỉ lắp đặt được 180 trạm BTS. Kế hoạch của MobiFone trong tháng 7 là đưa vào hoạt động 30 trạm BTS tại nội thành Hà Nội nhưng hiện có tới 16/30 trạm BTS không thể đưa vào phát sóng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân và chính quyền địa phương tại khu vực lắp đặt trạm không ủng hộ. Tại các tỉnh phía bắc, trung bình có 5%-7% số trạm BTS của MobiFone đã và đang phát sóng phải tạm ngừng phát sóng hoặc di chuyển đến khu vực khác do phản đối của người dân.
Không chỉ riêng VMS MobiFone, các nhà cung cấp dịch vụ khác như VinaPhone, Viettel, EVN Telecom, S-Fone, HT Mobile đều đang gặp tình trạng tương tự. Mới đây cả sáu nhà cung cấp dịch vụ này đều đồng loạt gửi văn bản "kêu cứu" lên Bộ Bưu chính-Viễn thông, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS.
Nhiều doanh nghiệp thật sự lo ngại nếu khó khăn này không được tháo gỡ kịp thời thì việc lắp đặt các trạm BTS sẽ không đạt được kế hoạch đề ra, điều này đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ sẽ không được bảo đảm. Theo kế hoạch, năm 2007, MobiFone sẽ lắp đặt thêm 3.000 trạm BTS, VinaPhone 3.000 trạm BTS, Viettel Mobile 2.500 trạm BTS... Trong khi đó, sáu tháng đầu năm, có doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành gần 50% kế hoạch đề ra.
Giám đốc Công ty VinaPhone Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, những năm trước việc lắp đặt các trạm BTS gặp trở ngại chủ yếu là do thiếu vốn đầu tư hoặc quy trình, thủ tục đầu tư phức tạp, mất nhiều thời gian, thiết bị nhập khẩu về chậm... Thế nhưng, hiện nay, mặc dù các thủ tục đầu tư, đấu thầu, thậm chí là các thủ tục xây dựng, lắp đặt các trạm BTS đều đã hoàn thành, thiết bị sẵn sàng trong kho nhưng doanh nghiệp không thể triển khai. Nguyên nhân chỉ vì sự phản đối của người dân ở khu vực dự kiến lắp đặt trạm BTS. Phần lớn người dân cho rằng các trạm BTS ảnh hưởng sức khỏe con người, nhất là sức khỏe sinh sản.
Vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng
Theo quyết định số 19/2006/QÐ-BBCVT của Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) ngày 15-6-2006 thì tất cả các trạm BTS bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 "Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio - Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3kHz đến 300 GHz" đối với các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng (trạm BTS). Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành tháng 2-2006 dựa trên các tiêu chuẩn, khuyến nghị quốc tế, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban Phòng, chống bức xạ phi ion hóa (ICNIRP). Các doanh nghiệp thông tin di động phải áp dụng và tuân thủ tiêu chuẩn này để bảo đảm an toàn cho người dân sống chung quanh khu vực lắp đặt trạm BTS.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ cho biết, ngay cả khi doanh nghiệp đưa ra kết quả đo bức xạ sóng điện từ trường của Bộ Y tế, kết quả đo kiểm định công trình viễn thông của Cục quản lý chất lượng BCVT và Công nghệ thông tin, trong đó nêu rõ các kết quả đo kiểm đều thấp hơn tiêu chuẩn TCVN 3718-1:2005... thì một số hộ dân vẫn không tin, chính quyền địa phương sở tại cũng vẫn chưa ủng hộ. Thậm chí cơ quan quản lý ngành ở địa phương là Sở BCVT các tỉnh, thành phố cũng không thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo Phó Chánh thanh tra Bộ BCVT Trần Ngọc Tiếp, Bộ còn nhận được văn bản của Sở BCVT một số tỉnh, thành phố đề nghị Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp tiến hành đo kiểm mức độ phơi nhiễm của các trạm BTS trên địa bàn để các sở này có báo cáo chính quyền các cấp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng viễn thông nói chung đồng thời xây dựng các trạm BTS nói riêng. Thế nhưng các doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp không thể tiến hành đo kiểm từng trạm BTS khi lắp đặt tại các địa phương bởi chi phí là quá lớn. Hơn nữa, tiêu chuẩn TCVN 3718-1:2005 đã quy định rất rõ mức độ an toàn trong trường bức xạ tần số ra-đi-ô của các trạm BTS. Ngoài ra, sau khi lắp đặt, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận kiểm định do Cục quản lý chất lượng BCVT và Công nghệ thông tin (Bộ BCVT) cấp thì mới được đưa các trạm BTS vào phát sóng.
Rõ ràng, trong khi một số người dân nhận thức chưa đầy đủ, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì tiến độ triển khai lắp đặt các trạm BTS tiếp tục "dậm chân tại chỗ".
Nhiều chuyên gia viễn thông nhận định, trước khi nhờ đến sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp phải tự nỗ lực giải quyết bằng cách như thỏa thuận hợp tác dùng chung trạm cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ; thuyết phục, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương và người dân khu vực lắp đặt trạm để nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc đầu tư hạ tầng mạng lưới vì lợi ích chung...
Việc lắp đặt các trạm BTS quá dày đặc còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, thử hình dung với số lượng hàng nghìn trạm BTS mà các nhà cung cấp dịch vụ di động đang dự kiến lắp đặt tại các thành phố lớn thì cảnh quan đô thị sẽ như thế nào?
Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Ðầu tháng 6, Thanh tra Bộ Bưu chính-Viễn thông (BCVT) đã gửi Sở BCVT các tỉnh, thành phố một loạt các tài liệu có liên quan như quyết định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005, công văn số 1251 của Bộ BCVT và Khoa học công nghệ về việc xem xét ảnh hưởng của BTS đến sức khỏe con người, công văn số 1627 của Bộ BCVT và Khoa học Công nghệ về việc lắp đặt trạm BTS... để các đơn vị này tham khảo khi giải quyết các khiếu kiện liên quan việc lắp đặt trạm BTS của các doanh nghiệp. Trong tháng 7 này, Bộ BCVT sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ ngành liên quan như Y tế, Khoa học Công nghệ... và các nhà cung cấp dịch vụ để tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lắp đặt các trạm BTS cũng như đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng mạng lưới. Dự kiến, kết thúc cuộc họp này, bộ sẽ có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ có kết luận để nhân dân yên tâm, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trần Ngọc Tiếp - Sẽ công khai chất lượng kiểm định các trạm BTS THEO quy định của Bộ Bưu chính-Viễn thông (BCVT), có hai nhóm tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của trạm BTS: Một là tiêu chí về an toàn chống sét, tiếp đất nhằm bảo đảm an toàn cho chính công trình viễn thông và an toàn cho các khu dân cư lân cận. Hai là, tiêu chí về an toàn bức xạ trong tần số ra-đi-ô, theo đó, đối với các trạm BTS nằm trong các khu dân cư, mức phơi nhiễm tần số ra-đi-ô không được vượt quá 2W/m2. Nếu trạm BTS nào gây ra mức phơi nhiễm hơn 2W/m2 tại khu vực dân cư lân cận thì Cục Quản lý chất lượng BCVT và Công nghệ thông tin sẽ không cấp Giấy chứng nhận kiểm định và không cho phép trạm BTS đó hoạt động. Tất cả các trạm BTS lắp đặt sau ngày 1-1-2007 đều phải kiểm định và cấp giấy chứng nhận trước khi đưa vào sử dụng. Ðối với các trạm BTS lắp đặt trước thời điểm ngày 1-1-2007, Cục Quản lý chất lượng BCVT và Công nghệ thông tin đang tiến hành kiểm định. Tuy nhiên do số lượng các trạm BTS trên toàn quốc đến nay là rất lớn (8.000 trạm) nên không thể kiểm định cùng một lúc. Ðợt 1, Cục sẽ tiến hành kiểm định 2.000 trạm của tất cả các doanh nghiệp thông tin di động tại ba thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng. Sau đó, từ ngày 1-1-2008 sẽ triển khai kiểm định tiếp các trạm còn lại tại 64 tỉnh, thành phố. Nguyễn Phi Tuyến, Doanh nghiệp có thể sử dụng chung các trạm BTS Các nhà cung cấp dịch vụ di động không thể lấy lý do không lắp đặt được các trạm BTS thì không bảo đảm chất lượng dịch vụ. Thực tế, việc các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt trạm BTS để phủ sóng mọi nơi là chuyện đương nhiên và đây chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ thông tin di động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như hệ thống tổng đài, phần mềm cài đặt, phương thức quản lý của doanh nghiệp... Công nghệ thông tin di động mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang sử dụng hoàn toàn dựa trên công nghệ của thế giới. Vì thế không thể có giải pháp nào về công nghệ để khắc phục khó khăn trong việc lắp đặt các trạm BTS mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Ðiều quan trọng là doanh nghiệp phải tìm các cách khác để làm cho người dân cũng như chính quyền địa phương ủng hộ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tính đến việc lắp đặt các trạm BTS ngay trong các tòa nhà cao tầng, các công trình công cộng... để hạn chế việc lắp đặt các trạm BTS tại nhà dân. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng có thể thỏa thuận hợp tác để sử dụng chung các trạm BTS. Tuy nhiên không phải bất cứ trạm BTS nào các doanh nghiệp cũng có thể chia sẻ vì còn tùy thuộc vào công nghệ di động mà doanh nghiệp khai thác. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, |