Nhiều vấn đề quan tâm trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy, chữa cháy

NDO -

NDĐT- Trong phiên họp ngày 25-10 của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XIII, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng - an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và thảo luận về vấn đề này.

Một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Lai Châu. Ảnh: Thanh Phương.
Một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy tại Lai Châu. Ảnh: Thanh Phương.

Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đòi hỏi phải được thể hiện rõ trong các hoạt động phòng cháy chữa cháy (PCCC). Vì vậy, cơ quan này chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu tại các điều khoản trong dự thảo Luật trình Quốc hội về nội dung liên quan đến các hoạt động như ban hành văn bản tuyên truyền, giáo dục, tổ chức thực hiện, xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về PCCC.

Nhiều vấn đề quan tâm trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy, chữa cháy ảnh 1

Ông Nguyễn Kim Khoa (Ảnh: Đăng Khoa).

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là xác đáng do đây là vấn đề bức xúc trước tình hình cháy, nổ phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề này đã được nhiều văn bản pháp luật ban hành trong những năm gần đây như Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và một số văn bản pháp luật có liên quan quy định cụ thể. Điều 63 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành cũng đã quy định về xử lý vi phạm, vì vậy, đề nghị giữ như quy định dự thảo Luật Chính phủ trình.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung tại điểm c mục 3a khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật trình Quốc hội. Theo đó, chủ hộ gia đình có trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ, các điều kiện cần thiết phục vụ chữa cháy. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Minh, tỉnh Bắc Cạn, băn khoăn, từ thực tế đời sống người dân tại một số vùng còn khó khăn, việc tự bảo đảm phương tiện phòng cháy chữa cháy trong hộ gia đình theo quy định của dự thảo Luật liệu có khả thi.

Đề cập tới trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ hộ gia đình trong trường hợp để xảy ra cháy và gây thiệt hại cho các chủ thể khác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là trách nhiệm dân sự và được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm của thành viên trong gia đình, người thuê nhà, người trực tiếp sử dụng căn hộ, nhà xưởng, bãi đỗ xe... đã được quy định có tính nguyên tắc chung tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành. Tuy nhiên, để tăng cường trách nhiệm của cá nhân về PCCC, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định về trách nhiệm của cá nhân trong PCCC tại mục 3b khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật trình Quốc hội.

Bổ sung quy định phòng, chữa cháy cho nhà máy điện hạt nhân

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định, Việt Nam hiện là thành viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nên tất cả quy định về an toàn, an ninh hạt nhân cũng như an toàn phòng cháy, chữa cháy đều phải tuân thủ theo quy định của IAEA. Do đó, khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật Chính phủ trình chỉnh lý theo hướng quy định cơ sở hạt nhân thay vì quy định nhà máy điện hạt nhân để bảo đảm thống nhất với Luật Năng lượng nguyên tử, đồng thời quy định cụ thể về yêu cầu xây dựng hạ tầng, nhân lực và lực lượng PCCC chuyên ngành phù hợp với từng cơ sở hạt nhân để bảo đảm tính khả thi.

Ngoài ra, theo dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung Điều 24a sau Điều 24 thuộc Chương II Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành (quy định về phòng cháy); còn việc chữa cháy đối với cơ sở hạt nhân phải tuân thủ quy trình chung về chữa cháy như quy định tại Chương III Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành. Việc xử lý thảm họa hạt nhân liên quan đến cháy, nổ được thực hiện theo quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề nghị, nên bổ sung quy định về phòng cháy, chữa cháy với cơ sở sử dụng hạt nhân để mang ý nghĩa bao quát hơn. Riêng hoạt động phòng cháy, chữa cháy với nhà máy điện hạt nhân, nên giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết.

Hỗ trợ lực lượng dân phòng và chữa cháy cơ sở

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chính sách hỗ trợ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở mang tính cấp thiết, cơ bản lâu dài để khắc phục những hạn chế yếu kém hiện nay. Đây là hai lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; ngoài ra, khi chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn thường có sự huy động lực lượng từ quần chúng nhân dân tham gia.

Tuy nhiên, để động viên khuyến khích lực lượng cốt cán ở đội dân phòng và PCCC cơ sở, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ thường xuyên cho các đối tượng là đội trưởng, đội phó đội dân phòng và PCCC cơ sở tại mục 2a khoản 23 Điều 1 và bổ sung quy định người dân tham gia chữa cháy được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất tại khoản 6 Điều 1 dự thảo Luật trình Quốc hội. Nguồn chi cho các đối tượng trên được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) đề nghị thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách ở địa phương. Trong thực tế, lực lượng này ở cơ sở thường kiêm nhiệm, không có khả năng ứng phó ngay. Do đó tại các khu công nghệ, khu công nghiệp, cần có đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách, được nhận lương từ ban quản lý khu công nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp đang né tránh điều này, trong khi đội ngũ chữa cháy cơ sở không thể đảm nhiệm nổi.

* Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy chỉnh lý, sửa đổi 23/65 điều của Luật hiện hành, bổ sung năm điều vào dự thảo Luật, đồng thời chỉnh lý kỹ thuật một số điều khoản khác cho phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành có liên quan, đề nghị giữ nguyên tên gọi của dự thảo Luật như Chính phủ trình.