Mới đây, phiên thảo luận với chủ đề “Tiềm năng và xu hướng hợp tác sản xuất hoạt hình giữa Nhật Bản và Việt Nam” trong hội thảo điện ảnh thuộc khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ nhất-năm 2023 tiếp tục bàn về việc sản xuất, phân phối và phát triển các sản phẩm hoạt hình.
Các diễn giả tham gia gồm: Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam; ông Kosuke Kishiwara, chuyên gia Nhật Bản; ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam, Tổng giám đốc Sconnect; ông Taika, phụ trách sản xuất anime của Netflix Nhật Bản; cùng các đại diện đến từ một số công ty hoạt hình Việt Nam và Nhật Bản.
Sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Nhật Bản (1973-2023) và Quốc hội vừa ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) xác định điện ảnh là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của Việt Nam.
Kinh nghiệm chinh phục khán giả toàn cầu của anime Nhật Bản
Nhiều thập kỷ qua, ngành sản xuất anime (phim hoạt hình) là một trong những thế mạnh của công nghiệp văn hóa Nhật Bản, không những đạt thành tựu lớn về mặt thương mại mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa xứ sở hoa anh đào với bạn bè quốc tế.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy là đầu tư xây dựng ý tưởng gốc thật tốt, làm ra câu chuyện hay, trong đó nhân vật phải mang tính biểu tượng, từ đó tạo nên một văn hóa riêng biệt, một nền công nghiệp ăn theo như đồ chơi, thời trang, âm nhạc...
Có khoảng 350 công ty hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình tại Nhật và nhà nước rất chú ý đầu tư, kêu gọi vốn cho các kịch bản phim tiềm năng. Phim hoạt hình cũng được ưu tiên những khung giờ tốt để phát sóng trên truyền hình.
Bên cạnh đó, không chỉ ưu đãi các chính sách về thuế hay đầu tư tập trung, Nhật Bản mà còn tạo điều kiện đưa nhân vật hoạt hình thêm gần gũi với công chúng.
Nhật Bản có những nhân vật hoạt hình (anime) nổi tiếng, được nhận diện trên khắp thế giới (Nguồn: internet) |
Chẳng hạn, ông Kosuke Kishiwara chia sẻ câu chuyện về việc tổ chức các lớp học cộng đồng về chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em với hình ảnh đại diện là chú mèo máy Doraemon, khiến các em hứng thú hơn và làm theo.
Những cách làm đó cộng với văn hóa yêu thích hoạt hình trải rộng từ trẻ nhỏ cho tới người già tại Nhật đã giúp hoạt hình trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của đất nước này.
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn bày tỏ sự đồng tình và mong muốn có được sự hỗ trợ của phía Nhật Bản giúp Việt Nam khắc phục những hạn chế về mặt cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện đại, cũng như chia sẻ kinh nghiệm về quá trình phát triển phim hoạt hình cho các đơn vị sản xuất phim hoạt hình Việt Nam.
“Hiện Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 20 bộ phim hoạt hình, ngắn thì 10 phút, dài thì 30 phút, tôi rất mong có thể hợp tác với Nhật Bản để Việt Nam thực hiện hóa ấp ủ sản xuất những bộ phim hoạt hình dài chiếu rạp lên đến 90 phút”, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh tiềm năng đáng mong đợi khi hợp tác với Nhật Bản, ông Phạm Ngọc Tuấn cũng bày tỏ niềm vui khi thị trường hoạt hình Việt Nam hiện nay còn có sự tham gia của nhiều công ty tư nhân sản xuất hoạt hình có những định hướng phát triển tương tự như Nhật Bản.
Tổng giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp trong nước có thể đồng lòng đồng sức, quy tụ những thế mạnh hiện có để cho ra những sản phẩm hoạt hình chất lượng cao.
Tăng cường hợp tác, sáng tạo nhân vật anime mới
Theo ông Kishiwara, Nhật Bản luôn chào đón các tác phẩm hoạt hình đến từ khắp nơi trên thế giới và hiện nay các công ty hoạt hình Nhật Bản thường xuyên thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng, điều mà hiện nay Việt Nam có tiềm năng và đang làm rất tốt.
Chuyên gia Nhật đánh giá nhân sự Việt tỉ mỉ, khéo tay và nắm bắt nhanh những công nghệ làm phim mới. Hiện nay, một số công ty của Việt Nam cũng đã gia công một số công đoạn sản xuất phim hoạt hình cho Nhật Bản, Mỹ.
Ông Tạ Mạnh Hoàng khẳng định đội ngũ làm phim hoạt hình Việt Nam hiện nay đủ kỹ năng, làm chủ công nghệ. (Ảnh: Ban tổ chức DANAFF ) |
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tổng giám đốc Sconnect Việt Nam Tạ Mạnh Hoàng cho biết trình độ gia công của đội ngũ họa sĩ, chuyên viên đồ họa, kỹ xảo...
Việt Nam đã đủ để tham gia nhiều công đoạn khó và quan trọng, thí dụ có doanh nghiệp như Dee Dee Animation có thể gia công cho dự án “bom tấn” của Mỹ, nhiều công ty đã làm được diễn hoạt, vẽ những phân cảnh phức tạp.
Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng tạo ra sản phẩm hoạt hình chất lượng cao, bảo đảm cả doanh thu thương mại lẫn chất lượng nghệ thuật, nếu có sự hợp lực cùng thực hiện.
“Dựa trên thành tựu phát triển của Sconnect, tôi cho rằng đây chính là thời điểm có những bước chuyển biến rất mạnh trong mảng hoạt hình. Trước đây, hoạt động kinh doanh hoạt hình của chúng ta sản xuất chủ yếu dựa trên ngân sách nhà nước và những mô hình kinh doanh phổ biến là gia công. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những mô hình kinh doanh mới khác trước, có thể sản xuất những sản phẩm do chính người Việt làm chủ toàn bộ, tự kinh doanh, tự xuất bản hoặc là xuất bản qua một nền tảng khác”, ông Tạ Mạnh Hoàng nhấn mạnh.
Ông Kishiwara và các đại diện Nhật Bản tại hội thảo đều bày tỏ mong muốn hợp tác cùng các xưởng hoạt hình Việt Nam sáng tạo ra các nhân vật anime mới, các sản phẩm hoạt hình chất lượng gây tiếng vang trên toàn cầu.
“Qua thời gian theo dõi và tìm hiểu về ngành hoạt hình tại Việt Nam, tôi thấy Việt Nam quy tụ nhiều nhà sáng tạo tài năng và đã sản xuất những tác phẩm rất ấn tượng. Tôi tin rằng, sự kết hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tạo nên nhiều sản phẩm truyền hình, thậm chí là điện ảnh làm say lòng khán giả thế giới”, ông Kishiwara phát biểu.
Đáng chú ý, nhà sản xuất phim hoạt hình Nhật Bản còn đưa ra hướng hợp tác giữa các đài truyền hình của Việt Nam để phát sóng những bộ phim hoạt hình Nhật Bản chưa từng công chiếu trước đây.
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Ngọc Tuấn tin tưởng rằng, sự hợp tác với Nhật Bản sẽ góp phần thúc đẩy ngành hoạt hình Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc.
Đồng quan điểm với ông Phạm Ngọc Tuấn, ông Tạ Mạnh Hoàng cho biết hiện Sconnect đang làm việc với mạng lưới hơn 100 doanh nghiệp tương đối mạnh và đa dạng các dòng phim hoạt hình. Với sự liên kết, hợp lực, hoạt hình Việt Nam có đủ khả năng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.