Kiên quyết không để dịch lây lan
Theo Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu, tình hình phòng, chống dịch Covid-19, tại tỉnh Bạc Liêu, từ ngày 27-1 đến ngày 26-2-2021, Bạc Liêu đã phát hiện có chín trường hợp là F1 và 32 trường hợp về từ các ổ dịch trong nước. Trong đó có chín người là F1 ở các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân, Đông Hải, TP Bạc Liêu. Các trường hợp này đều được cách ly tập trung, theo dõi sát sao, không để lây lan ra cộng đồng.
Trong những tháng qua, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, cùng với cả nước, Bạc Liêu đã bước sang giai đoạn mới thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Từ các cấp, các ngành cho đến từng người dân, doanh nghiệp đều cần xác định sống trong tình trạng bình thường có dịch bệnh duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch để phát triển kinh tế. Kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài.
Tất cả người nhập cảnh đều phải được cách ly tập trung 14 ngày; trừ trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao thì có biện pháp cách ly phù hợp, chủ doanh nghiệp, cơ quan y tế các địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc cách ly các trường hợp này, tuyệt đối không để nguồn bệnh lây lan ra cộng đồng.
Đồng thời, Bạc Liêu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc như: đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch với xà phòng, nước sát khuẩn, bảo đảm vệ sinh cá nhân.
Vượt lên khó khăn, gian khổ
“Lúc đầu, thật sự mà nói, do địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực xét nghiệm Covid-19 nên các mẫu khi lấy phải gửi lên Viện Pasteur để khẳng định, thời gian trả lời phải mất tối thiểu hai ngày, đôi lúc cả tuần mới có kết quả, làm ảnh hưởng đến công tác đáp ứng, quản lý cộng đồng, khu cách ly. Môi trường lấy mẫu xét nghiệm cũng lệ thuộc Viện Pasteur hỗ trợ, đường thì xa, mỗi lần dự trù để nhận môi trường mất thời gian gần hai ngày nên phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác đáp ứng, chống dịch.
Đa số cán bộ mới tiếp cận dịch bệnh lần đầu nên cũng còn lúng túng trong công tác, giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh. Nhân lực để giám sát còn thiếu nên việc theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt hằng ngày trở nên quá tải đối với một số xã, phường, thị trấn. Bước đầu hóa chất, trang thiết bị khan hiếm, có kinh phí mua cũng không được cũng làm ảnh hưởng phần nào đến công tác phòng, chống bệnh Covid-19…”, BS Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu chia sẻ.
Nhân dịp này, chúng tôi vừa trở lại thăm Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu - nơi được đánh giá là trung tâm điều trị, chăm sóc sức khỏe lớn và tốt nhất của tỉnh Bạc Liêu hiện nay.
BS Mã Quốc Thiện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu khẳng định: “Trong đại dịch Covid-19 nhiều tháng qua, cán bộ, nhân viên của bệnh viện rất vất vả, nhất là các thầy thuốc tại Khoa Truyền nhiễm chịu nhiều hy sinh, gian khổ nhất. Trong đó, BS Đinh Xuân Phước, Trưởng khoa và Điều dưỡng Trưởng Nguyễn Ngọc Lụa tại Khoa Truyền nhiễm là vất vả nhất trong đợt chữa bệnh dịch vừa rồi…"
Bác sĩ Đinh Xuân Phước tâm sự: “Trong nhiều tháng qua, ngoài việc chữa khỏi nhiều ca bị nhiễm Covid-19, tại khoa Truyền nhiễm còn thực hiện biện pháp cách ly, theo dõi hàng trăm trường hợp nghi ngờ lây nhiễm Covid-19. Vì vậy, công việc “quá tải, anh em cũng quá sức”. Nhưng, chúng tôi luôn xác định, lúc khó khăn mới là lúc chứng minh tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, sự hy sinh và lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc chân chính. Từ đó, tập thể cán bộ, nhân viên trong khoa luôn không dao động, luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao, được Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện và lãnh đạo Sở Y tế Bạc Liêu khen ngợi, biểu dương kịp thời…”
BS Mã Quốc Thiện cho biết thêm: “Nhiều tháng qua, đội ngũ bác sĩ, y sĩ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu nói chung, Khoa Truyền nhiễm nói riêng đã nỗ lực hết mình, chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh mọi mặt, ngày đêm chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Có thể nói, đây là nơi “tuyến đầu” nên rất cam go, vất vả. Không ít bác sĩ, thầy thuốc phải đấu tranh “giằng xé” để chiến thắng chính bản thân mình, có được tâm lý vững vàng, mục đích, mục tiêu cao cả, hết mình chăm sóc bệnh nhân như chính những người thân yêu trong gia đình. Vì vậy, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện đã rất quan tâm động viện, khen thưởng, khích lệ kịp thời để anh em cán bộ, nhân viên an tâm, phục vụ bệnh nhân được tốt…”
Điều dưỡng Trưởng Nguyễn Ngọc Lụa (Khoa Truyền nhiễm) bộc bạch: “Thiệt lòng mà nói nhiều tháng qua, bản thân em và anh chị em trong Khoa Truyền nhiễm làm việc rất vất vả. Có nhiều lúc cũng rất căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng, khi nghĩ đến trách nhiệm, lương tâm của mình là người thầy thuốc, nhát là trong lúc khó khăn, gian khổ như thế này, cần phải ráng vượt qua…”
Những người thầy thuốc ở Bạc Liêu, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên, y sĩ, bác sĩ trực tiếp hằng ngày chăm sóc, điều trị những bệnh nhân mắc Covid-19 và những trường hợp người dân đi từ vùng dịch về…. Những thầy thuốc ấy thật sự là những “chiến sĩ hy sinh thầm lặng”, bảo vệ sức khỏe và sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.