Đánh giá về những nội dung trọng tâm của nguồn nhân lực trong 10 năm qua, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe chia sẻ: “Biến động” là cụm từ khá thích hợp để mô tả bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong một thập kỷ qua (giai đoạn 2013 – 2023).
Trong đó, đại diện Anphabe đã chỉ ra 6 vấn đề bất biến trong nhiều sự thay đổi của thị trường nhân lực. Đơn cử như: vấn đề “thu nhập”, “cân bằng” và “ổn định” vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của người đi làm. Các vấn đề này dù ở trong giai đoạn nào thì luôn có những vị trí quan trọng trong tiêu chí đi làm của người lao động.
Tương tự, nhiều người lao động cũng cho rằng, nơi làm việc lý tưởng là nơi làm việc toàn diện. Theo khảo sát của Anphabe với trung bình 60 nghìn lao động mỗi năm, dựa trên khung 6 yếu tố môi trường làm việc lý tưởng bao gồm: tưởng thưởng, cơ hội phát triển, văn hóa môi trường, lãnh đạo quản lý, chất lượng công việc – cuộc sống, danh tiếng công ty cho thấy: mặc dù có sự thay đổi về tỷ lệ ưu tiên giữa các yếu tố, song cả 6 yếu tố này vẫn luôn giữ vững vị thế quan trọng trong suốt thập kỷ qua phản ánh nhu cầu bất biến của người đi làm ngày nay về một môi trường làm việc toàn diện, đáp ứng đầy đủ các khía cạnh của một nơi làm việc lý tưởng.
Thị trường nhân lực có nhiều thay đổi trong 10 năm qua |
Một vấn đề khác cũng tồn tại trong tâm lý người lao động trong thời gian qua đó là tình trạng khủng hoảng niềm tin kéo dài. Với quá nhiều sự thay đổi và không chắc chắn trong cách quản lý và chiến lược và tương lai của doanh nghiệp khiến cho người đi làm cảm thấy hoang mang, mơ hồ, tạo nên một môi trường làm việc căng thẳng, nơi mà niềm tin và mức độ gắn kết của nhân viên đang dần mất đi.
Chia sẻ trong báo cáo này, bà Thanh Nguyễn cũng nêu sáu vấn đề người lao động rất quan tâm trong những năm gần đây.
Trong đó, người lao động mong muốn được làm việc trong môi trường linh hoạt. Theo bà Thanh Nguyễn, ‘làm việc linh hoạt" không còn đơn thuần là một lựa chọn, mà đã trở thành tiêu chuẩn mới.
Mặc dù xu hướng này có phần “hạ nhiệt” sau đại dịch, nhưng sự mong đợi về một môi trường làm việc linh hoạt vẫn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là đối với Gen Z - với khoảng 30% Gen Z kỳ vọng công ty cho phép làm việc linh hoạt và 71% Gen Z sẽ cân nhắc nhảy việc nếu công ty không có chế độ này.
Một vấn đề khác chính là: tuy thích một công việc ổn định nhưng có tới 57% nguồn nhân lực muốn làm việc tự do.
Khái niệm công việc ổn định giờ đây không còn chỉ là gắn bó lâu dài với một nơi làm việc mà là khả năng duy trì sự vững vàng và thích nghi với biến động, thông qua việc tham gia vào nhiều loại công việc và hoạt động tạo giá trị khác nhau và có nhiều nguồn thu nhập đa dạng.
Ngoài ra, vấn đề an sinh đối với nhân viên trở thành trọng trách doanh nghiệp. Khảo sát của Anphabe từ 2014 – 2023 cũng cho thấy, các yếu tố như “Chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân viên tốt” và “Môi trường làm việc an toàn” cũng ngày càng thăng hạng, hiện được xếp vào top 3 và top 10 trong top 15 tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng do người đi làm bình chọn.