Cứu người bệnh khi sự sống tính theo ngày
Anh Đ.V.H (41 tuổi, ở Thanh Hóa) bị bệnh giãn cơ tim từ lâu, mặc dù đã được điều trị nội khoa, nhưng bệnh tiến triển nặng dần kéo theo chức năng gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Cuối tháng 9/2024, người bệnh nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do suy tim mất bù (không đáp ứng phương pháp điều trị thông thường); suy gan tiến triển cấp tính, kèm suy thận. Các xét nghiệm cho thấy, người bệnh có tình trạng đông máu rối loạn nghiêm trọng, sự sống chỉ được duy trì nhờ hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) thay chức năng tim và lọc gan liên tục thay chức năng gan. Thời gian sống của người bệnh chỉ còn tính theo ngày. Để cứu sống trường hợp này chỉ có một phương pháp duy nhất là ghép tạng.
Đúng vào thời điểm đó, như một “nhân duyên” khi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An có một người bệnh bị chấn thương sọ não nặng, gia đình người bệnh có nguyện vọng hiến tạng. Ngay khi nhận được thông tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cử kíp tăng cường hỗ trợ hồi sức cho người bệnh, đánh giá tình trạng chết não và tình trạng các tạng trong trường hợp có thể lấy được tạng. Trưa ngày 1/10/2024, xác định người bệnh chết não và các tạng có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác, các bác sĩ đi tăng cường được chia thành hai kíp, một kíp ở lại giúp Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An thực hiện hai ca ghép thận; kíp thứ hai nhanh chóng đưa tạng (tim, gan) về Hà Nội để thực hiện ghép ngay cho người bệnh.
Có tạng, nhưng quyết định ghép như thế nào thật sự là một cuộc chiến cân não. Ngay trong các cuộc hội chẩn, chuyên gia đầu ngành về: hồi sức, tim mạch, gan, thận đã “chia phe” trước ca bệnh quá khó khăn này. Ca ghép cần cân nhắc tất cả các tình huống do tình trạng người bệnh cả tim, gan và thận đều suy ở giai đoạn rất nặng. Có ý kiến cho rằng không nên thực hiện ca ghép vì khả năng thành công thấp, nếu không thành công sẽ phí hai tạng, đồng nghĩa với hai người bệnh khác không được ghép tạng để kéo dài sự sống.
Tuy nhiên, đứng trước sự sống và cái chết của người bệnh, dù cơ hội còn rất ít nhưng các bác sĩ cũng cố gắng với quyết tâm cao nhất. Hội đồng khoa học bệnh viện quyết định vẫn tiến hành ghép. PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chuyên gia đầu ngành lĩnh vực ghép gan chia sẻ: “Chúng tôi phải thảo luận rất kỹ trước khi đưa ra quyết định thực hiện ca ghép. Nếu ghép thành công thì một người bệnh được cứu sống và nếu ghép không thành công thì bác sĩ được những bài học quý cho những ca ghép sau này”.
Bắt tay vào thực hiện ca ghép, ê-kíp nào cũng nhiều áp lực. Khối ngoại căng thẳng 8 giờ liên tục, còn ê-kíp gây mê hồi sức chỉ được giảm áp khi cơ hội sống của người bệnh dần cải thiện và tăng lên 80%... PGS, TS Lưu Quang Thùy (Giám đốc Trung tâm Gây mê-Hồi sức) chia sẻ, dù ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thường quy, nhưng với ca ghép đồng thời hai tạng lớn tim-gan đầu tiên này lại trên một người bệnh ở giai đoạn rất nặng, công đoạn gây mê, hồi sức luôn đối mặt với nhiều rủi ro, áp lực...
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên gia đầu ngành, có nhiều kinh nghiệm, ca ghép hoàn thành. Tám giờ sau ghép, trái tim bắt đầu đập trở lại trên cơ thể mới; gan đã tiết mật và các chỉ số đông máu, men gan dần trở về bình thường; 36 giờ sau ghép các chức năng gan, tim hồi phục dần, người bệnh được chuyển về hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Gần 10 ngày sau ghép cả tim và gan, cơ hội sống của người bệnh tăng lên 80%, 20% còn lại phụ thuộc vào chống nhiễm khuẩn và nuôi dưỡng thể trạng trong thời gian tiếp theo.
Khẳng định trình độ thầy thuốc Việt Nam
TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khẳng định, đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép đồng thời tim-gan trên một người bệnh ở giai đoạn rất nặng. Đến nay không nhiều nước thực hiện được kỹ thuật này, số trường hợp ghép đồng thời tim-gan ở giai đoạn cấp cứu trên thế giới không nhiều, tập trung chủ yếu ở các nước có nền y học và điều kiện kinh tế phát triển.
Đáng chú ý, phần lớn các ca ghép đa tạng trên thế giới đều thực hiện ghép chủ động (công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, thể trạng người bệnh tốt), còn ca ghép này là không chủ động (thể trạng bệnh nhân rất yếu, chức năng tim, gan gần như không còn). Do vậy, thành công này thể hiện trình độ của các y bác sĩ Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật ghép tạng, kể cả các trường hợp ghép đa phức tạp, nặng.
Vào thăm, chúc mừng người bệnh, chúc mừng đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, ca ghép thành công thêm khẳng định trình độ chuyên môn, tay nghề làm chủ kỹ thuật cao, khó trong ghép tạng của các y bác sĩ Việt Nam, trong đó Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những đơn vị hàng đầu. Người đứng đầu ngành y tế chia sẻ, trong những chuyến công tác nước ngoài, khi thông báo về thành tựu của nền y học Việt Nam trong ghép tạng, bạn bè quốc tế đều ngạc nhiên và đánh giá cao. Do vậy, Bộ trưởng mong muốn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp tục phát triển kỹ thuật cao để người bệnh được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.
TS Dương Đức Hùng cũng chia sẻ thêm, việc thực hiện thành công ca ghép này thể hiện sự phối hợp rất tốt giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với vai trò là bệnh viện tuyến cuối đối với các bệnh viện vệ tinh trong chuyển giao kỹ thuật, nhất là trong việc phối hợp tổ chức giúp cho các bệnh viện tuyến dưới phát triển về kỹ thuật lấy và ghép tạng.
Đây không phải lần đầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới về việc hồi sức tạng, lấy tạng, ghép tại chỗ (đã hỗ trợ các bệnh viện: đa khoa Xanh Pôn, đa khoa Phú Thọ, đa khoa tỉnh Thanh Hóa…). Thành công của ca ghép đồng thời hai tạng cũng là những kinh nghiệm quý trong sự phối hợp giữa các kíp (gây mê, ghép, hồi sức…), giúp bệnh viện có những bước chuẩn bị tốt hơn trong triển khai ghép các tạng khác trong thời gian tới.