Những nội dung này được nhiều chuyên gia y tế chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc năm 2020 với chủ đề “Lựa chọn thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả trong điều trị” do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức ngày 29-10.
Ba mấu chốt trong sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả
GS, TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả về kinh tế cho người bệnh được đặt ra từ lâu. Có ba vấn đề mấu chốt mà Việt Nam cần phải giải quyết.
Đầu tiên, đối với người dân khi thấy triệu chứng không có lợi cho sức khỏe phải đến cơ sở y tế phát hiện sớm. Việc phát hiện sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và giảm chi phí điều trị.
Thứ hai, vai trò của thầy thuốc tại các cơ sở y tế trong chẩn đoán, sử dụng phác đồ hợp lý rất quan trọng, đặc biệt đối với bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền phải sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau.
Thứ ba, ngành dược cần có thêm các sản phẩm mới hỗ trợ điều trị tốt hơn, chi phí thấp hơn cho điều trị cho người bệnh.
“Điều này đòi hỏi có sự kết hợp chặt chẽ giữa người thầy thuốc lâm sàng với việc theo dõi thuốc đó trong việc sử dụng thuốc hiệu quả. Các thầy thuốc phải thường xuyên cập nhật phản ứng không mong muốn, ảnh hưởng tương tác của thuốc với nhau, hiệu quả của thuốc… trong việc điều trị cho người bệnh”, GS Kính nói.
Cũng theo GS Kính, trong năm năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ khi thiết lập nhiều labor kiểm soát thức ăn chăn nuôi có trộn kháng sinh và tình trạng này đã giảm khá nhiều. Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở con người là chúng ta vẫn chưa làm theo quy định hiện hành về việc sử dụng kháng sinh hiệu quả.
GS Kính cảnh báo tình trạng kháng kháng sinh rất nghiêm trọng tại Việt Nam. Điều này không chỉ do ý thức người dân tự ý mua kháng sinh điều trị, các cửa hàng thuốc vì lợi nhuận bán thuốc không cần đơn bác sĩ mà ngay cả chính bản thân thầy thuốc cũng đang kê nhiều kháng sinh cho người bệnh.
Việc dùng nhiều kháng sinh không hợp lý sẽ tạo thành áp lực thuốc cho người bệnh và chọn lọc ra những chủng vi sinh vật kháng đa thuốc. Lúc đó, người bệnh sẽ bị kháng thuốc, thậm chí kháng đa thuốc, khiến việc điều trị khó khăn, thời gian nằm viện kéo dài, chi phí nhiều hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.
“Tôi cũng muốn gióng hồi trống về nguy cơ nhiễm trùng trong môi trường bệnh viện vì vi khuẩn trong môi trường bệnh viện hầu hết đều là vi khuẩn siêu kháng thuốc”, GS Kính cho hay.
Nhiều thách thức trong công tác bảo đảm thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả
Đến nay, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng gồm: Xây dựng các danh mục thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Xây dựng quy trình hướng dẫn chuyên môn liên quan đến sử dụng thuốc, phân tích đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc... đến các hoạt động cụ thể trên cá thể người bệnh, đặc biệt là nhóm bệnh nhân đặc biệt (bệnh nhân mắc nhiều bệnh đồng thời; bệnh nhân nhi; bệnh nhân phải sử dụng các thuốc đặc biệt như các thuốc có khoảng điều trị hẹp, nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, kháng sinh, thuốc cần pha truyền đặc biệt...).
Nghị định cũng quy định các hoạt động kiểm tra, giám sát kê đơn sử dụng thuốc trên bệnh nhân, bình ca lâm sàng; Tham gia hội chẩn chuyên môn để lựa chọn thuốc trong điều trị nhằm bảo đảm mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả..
Sự ra đời của nhiều thuốc mới đã mang lại lợi ích to lớn trong điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, song cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo đảm thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả. Để đạt được hiệu quả tối ưu trong sử dụng thuốc cần có kiến thức, sự hiểu biết của các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và sự cộng tác từ người bệnh.
PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xác định Đánh giá công nghệ y tế (bao gồm thuốc, vaccine, thiết bị y tế, dịch vụ y tế) là một công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hệ thống y tế với mục tiêu hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc đưa ra các quyết định chính sách dựa trên bằng chứng.
Hiện nay thực trạng sử dụng các loại thuốc kháng sinh đang khá phổ biến tại nước ta, người dân khi bệnh nhẹ cũng tìm mua kháng sinh về điều trị. Điều này vô tình làm cho tình trạng kháng kháng thuốc ngày càng trầm trọng.
Nhiều bệnh viện đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.
Do đó, ngành y tế cần phải giải quyết bài toán lựa chọn thuốc bảo đảm hợp lý, an toàn, hiệu quả cho người bệnh; Lựa chọn được thuốc phù hợp với nhu cầu điều trị và khả năng thanh toán của người dân (kể cả người có thẻ BHYT).
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế ngày càng trở nên khan hiếm, quỹ bảo hiểm y tế phải bao phủ ngày càng nhiều dịch vụ y tế thì Đánh giá công nghệ y tế, đặc biệt là đánh giá kinh tế dược cần được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, xây dựng kế hoạch, quản lý và thực hành lâm sàng.
Trong thời gian tới, việc sử dụng bằng chứng Đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng chính sách thuốc bảo hiểm y tế sẽ không còn mang tính khuyến khích mà chắc chắn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là đối với các thuốc đề xuất bổ sung mới vào danh mục.
“Việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả đã có hệ thống văn bản quy phạm và các hướng dẫn tương đối đầy đủ. Vấn đề là các sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức thực hiện như thế nào để bảo đảm sử dụng thuốc an toàn”, Thứ trưởng nói.
Ngoài nâng cao nhận thức của cộng đồng và cán bộ về kháng thuốc, Bộ Y tế sẽ có những chương trình nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; Tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý; Kiểm soát nhiễm khuẩn và tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Báo cáo về "Góc nhìn mới trong việc đánh giá tác động của một phương pháp điều trị tới quy hoạch bệnh viện trong bối cảnh hiện nay", TS Thẩm Chí Dũng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang thí điểm chi trả theo DRG (chi trả theo nhóm chẩn đoán liên quan) tại năm tỉnh. Theo đó, chúng ta sẽ không trả bằng dịch vụ mà trả bằng một gói các chẩn đoán tương tự nguồn lực với nhau.
“Khi triển khai chi trả theo phương thức này sẽ giúp ngành y tế giảm bớt áp lực, các y, bác sĩ tập trung vào chuyên môn hơn. Các bệnh viện có quyền sử dụng biện pháp và dịch vụ hiệu quả để tiết kiệm nguồn lực và điều trị cho bệnh nhân hiệu quả nhất”, TS Dũng nói.
Tháng 12-2020, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư về định xuất chi trả cho tuyến huyện, tuyến xã trong điều trị ngoại trú. DRG sẽ chi trả điều trị nội trú cho những bệnh cấp tính dưới 10 ngày trong bệnh viện tuyến trên (tuyến Trung ương, tỉnh, huyện).