Nhiều sân khấu đông khán giả dịp Tết

Kết thúc đợt diễn Tết Quý Mão 2023, đại diện nhiều sân khấu lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thôi xúc động khi đón nhận sự trở lại của đông đảo khán giả sau thời gian dài chỉ lác đác người xem vì dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Với nhiều vở diễn chất lượng, các sân khấu kịch tại thành phố thu hút nhiều khán giả dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Với nhiều vở diễn chất lượng, các sân khấu kịch tại thành phố thu hút nhiều khán giả dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh của nghệ sĩ Minh Nhí và danh hài Việt Hương vừa diễn suất cuối cùng trong mùa Tết Nguyên đán năm nay với vở "Loạn thế chi vương". Ðây là suất diễn bổ sung do nhu cầu thưởng thức của khán giả tăng cao so với kế hoạch diễn cố định từ mồng 1 đến mồng 8 Tết tại sân khấu này. Dù mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2023 nhưng Sân khấu Trương Hùng Minh đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước nên vẫn kịp giới thiệu đến người yêu kịch hai vở diễn với màu sắc khác nhau trong dịp Tết năm nay. "Chúng tôi ăn Tết tại sân khấu luôn và tranh thủ thời gian tập luyện, giao lưu với nhau. Ban đầu hồi hộp lắm, sợ khán giả không biết để đi xem vì sân khấu mới ra mắt. Vậy mà suốt 8 ngày, khán đài gần 500 ghế suất nào cũng kín chỗ. Phản hồi từ khán giả rất tích cực. Làm việc liên tục với tần suất cao, ai cũng mệt nhưng chỉ cần khán giả thấy vui là chúng tôi rất mừng", nghệ sĩ Minh Nhí phấn khởi cho hay. Sau thành công của "Loạn thế chi vương" và "Ðụng vô là phỏng tay", không kịp nghỉ ngơi sau Tết, nghệ sĩ Minh Nhí cùng các cộng sự tiếp tục các vở diễn bổ sung theo nhu cầu khán giả. Từ đầu tháng 2 này, cả sân khấu còn tập trung cho hai vở mới là "Sơ hở là yêu" và "Mẹ hát rong" nên lúc nào cũng bận rộn. Ðại diện Sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh cho biết: Ðến thời điểm hiện tại, họ đã lên ý tưởng, chuẩn bị đặt hàng kịch bản cho chương trình biểu diễn mùa hè vì cảm nhận rõ sự phục hồi của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sau dịch Covid-19 khi lượng khán giả tìm đến ủng hộ các rạp ngày một nhiều.

Tết Nguyên đán 2023 cũng là đợt diễn "thắng đậm" của Sân khấu nhỏ 5B với gần 30 suất diễn đa dạng phong cách, thể loại. Ðây là năm đầu tiên sân khấu này trình diễn kịch thiếu nhi dịp Tết với vở mới được đầu tư rất công phu là "Ðại náo long cung" cùng hai vở kịch được dàn dựng, công diễn từ hè năm 2022 mang tên "Bộ lạc nanh trắng" và "Vương quốc những người xấu xí". Tín hiệu vô cùng khả quan khi chỉ tính riêng 13 suất diễn kịch thiếu nhi, tỷ lệ vé bán ra đạt gần 90%. Các chùm hài kịch và kịch tâm lý xã hội tại sân khấu này cũng được nhiều khán giả yêu thích. Tổng doanh thu Tết Nguyên đán 2023 của sân khấu này tăng hơn năm 2022 gần 40%. Nhiều suất diễn Tết tiếp tục được "nối lịch" khi nhu cầu đặt vé của người xem vẫn chưa dừng lại. "Ðiều khả quan nhất là rất nhiều khán giả liên tục quay lại rạp trong dịp Tết để thưởng thức các vở khác nhau. Năm nay là dịp hiếm hoi chúng tôi chứng kiến lại cảnh tượng khán phòng chật kín khán giả, cả ở hai khu vực cánh. Tín hiệu vô cùng tích cực, mang lại sự hào hứng cho người làm sân khấu sau thời gian dài vật lộn với bao thứ khó khăn vì dịch bệnh", đại diện Sân khấu nhỏ 5B chia sẻ.

Hết vé hoặc 90% khán giả đến xem là những gì vở diễn mới mang tên "Trái tim oan khuất" của Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh làm được trong suốt dịp Tết vừa qua. Sau Tết, khi lượng khán giả đến sân khấu giảm dần, nhiều trường học và doanh nghiệp bắt đầu đặt hàng số lượng lớn để phục vụ học sinh, sinh viên, người lao động. Các vở cũ được chọn tái diễn đợt Tết này như "Mùi của hạnh phúc", "Nửa đời ngơ ngác", "Bông hồng cài áo", "Rau răm ở lại"… cũng bán vé rất tốt do nhu cầu xem lại những vở tiêu biểu của khán giả vẫn chưa "hết nóng". Xuân Quý Mão 2023 là cái Tết đầu tiên Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh áp dụng mô hình diễn theo mùa thay vì theo lịch định kỳ hằng tuần như trước kia. Cụ thể, từ hè năm 2022, Hoàng Thái Thanh đã chuyển sang thử nghiệm diễn theo mùa và thu về kết quả khả quan. Sân khấu này cho biết, trong năm 2023 sẽ duy trì hai mùa diễn là Tết và giữa năm. Các vở được diễn tập trung trong thời gian kéo dài từ hai đến ba tháng tùy thuộc vào phản hồi của thị trường. Ðiều này giúp sân khấu hạn chế được nguồn đầu tư, nhân lực và khán giả có nhiều chọn lựa với đa dạng suất diễn. Theo nghệ sĩ Ái Như, chủ Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, hình thức biểu diễn mới đang nhận về đánh giá tích cực từ khán giả. Nếu trước kia một vở diễn thường kéo dài trong một năm thì giờ đây các suất diễn được bố trí dày hơn trong thời gian ngắn giúp mọi thứ tập trung, hiệu quả hơn. Khán giả thích thú trở lại rạp vì nội dung mới lạ, chất lượng ngày càng cao với thời gian linh hoạt.

Cùng với kịch nói, dịp Tết năm nay cũng ghi nhận sự trở lại vô cùng sôi nổi của sân khấu cải lương khi nhiều vở diễn liên tục sáng đèn đến tận rằm tháng Giêng. NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Ðạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt cho biết: Các suất diễn của vở cải lương thể nghiệm "Kiếp tằm" đã đạt mức doanh thu theo đúng kế hoạch đề ra. Ngoài "Kiếp tằm", đạo diễn Lê Nguyên Ðạt còn phối hợp với đoàn nghệ thuật tuồng cổ Minh Tơ dựng lại vở cải lương sử Việt Nam "Tô Hiến Thành xử án". Vở diễn quy tụ rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng này khiến khán phòng Nhà hát Trần Hữu Trang luôn được lấp đầy. "Tín hiệu phục hồi sau dịch Covid-19 cho sân khấu cải lương hiện nay rất khả quan khi dịp Tết này có rất nhiều vở được đầu tư, dàn dựng hoành tráng và lượng khán giả đến rạp cũng tăng vượt trội so với năm ngoái", đạo diễn Lê Nguyên Ðạt cho hay.