Sau khi đi vào hoạt động đầy đủ, nhà máy địa nhiệt mới của thành phố Munich (Đức) sẽ có thể cung cấp khí sưởi ấm cho 80 nghìn hộ gia đình địa phương thông qua một mạng lưới đường ống rộng lớn.
Nhà máy sưởi ấm ở khu phố Sendling, phía nam của thành phố Munich đã vận hành hơn một thế kỷ bằng khí đốt, thường được nhập khẩu từ xa.
Nhưng chính mạch nước nóng từ sâu dưới lòng đất đang ngày càng thay thế khí đốt cung cấp năng lượng cho thành phố này.
Nằm bên cạnh nhà máy gạch có từ thế kỷ 19, nhà máy địa nhiệt mới của Munich được bao quanh bởi một loạt đường ống dẫn.
Công việc lắp đặt bắt đầu vào năm 2016 và mở cửa vào năm 2021, trước khi cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra và Nga đóng các đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu.
Nhưng việc khai trương kịp thời nhà máy hiện đại - một trong những nhà máy địa nhiệt lớn nhất ở châu Âu - là một sự trùng hợp đáng mừng đối với thành phố, giữa bối cảnh phần còn lại của đất nước này đang đối mặt với thách thức bù đắp nguồn cung cấp khí đốt từ Nga bị mất.
Munich đang lên kế hoạch rót 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) đến năm 2035 để phát triển năng lượng địa nhiệt và làm cho lượng carbon phát thải từ việc sưởi ấm của thành phố trở về bằng 0%.
Christian Peltl, Giám đốc năng lượng địa nhiệt tại SWR, công ty điều hành nhà máy ở Sendling cho biết: “Chúng tôi đang ngồi trên một mỏ vàng. Munich có vị trí địa chất hoàn hảo khi nằm tại khu vực nổi tiếng với các bể tắm nước nóng thiên nhiên”.
Trên khắp châu Âu, sự quan tâm đến các dự án địa nhiệt đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây khi các quan chức khu vực tìm cách khử carbon cho hệ thống năng lượng của họ.
Cuộc xung đột ở Ukraine đã củng cố xu hướng này bởi nó khiến việc vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu bị đình trệ và gây ra sự gia tăng đáng báo động về chi phí năng lượng trên khắp châu Âu.
Cuộc khủng hoảng đã nhấn mạnh những điểm dễ bị tổn thương của “lục địa già” trong lĩnh vực năng lượng.
Năng lượng địa nhiệt đáng tin cậy và bền vững dường như là giải pháp thay thế hoàn hảo cho khí đốt.
Vào cuối năm 2022, chính phủ Đức đã công bố kế hoạch tăng sản lượng năng lượng địa nhiệt gấp 10 lần vào năm 2030 lên 10 terawatt giờ (Twh).
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng, Đức, quốc gia sử dụng 50% khí đốt để sưởi ấm, muốn triển khai "ít nhất 100 dự án địa nhiệt mới".