TP Vinh ngập sâu trong nước, học sinh nghỉ học
Do mưa lớn kéo dài, thoát nước không kịp nên một số tuyến đường như: Trần Phú, Thái Phiên, Hồng Bàng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngư Hải, Trần Hưng Đạo, Ngư Hải, Nguyễn Văn Cừ, Phong Định Cảng, Phan Chu Trinh… bị ngập sâu từ 0,5 đến 0,8m; đồng thời, làm nhiều phương tiện bị chết máy, gây ảnh hưởng lớn tới việc di chuyển của người dân,... Một số khu dân cư ở khu vực thượng lưu cầu Nại (khối 2, phường Trường Thi), khối 13 phường Bến Thủy... cũng bị ngập. Mưa lớn cũng đổ một số cây xanh.
Trước tình hình mưa lớn gây ngập lụt cục bộ, nhiều trường học từ cấp học mầm non đến PTTH trên địa bàn TP Vinh và các huyện đồng loạt cho học sinh nghỉ học.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh cho biết: Chúng tôi đã thông báo cho tất cả các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Đơn vị quản lý cùng người dân đã ra khơi thông cống để đẩy mạnh việc thoát nước. Lực lượng cứu hộ đã đến các khu dân cư bị ngập sâu để hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn. Hệ thống trạm bơm ở Bến Thủy hoạt động hết công suất để tiêu nước.
Ghi nhận cảnh ngập lụt tại một số tuyến đường ở TP Vinh vào sáng 30-10.
Nhiều nơi tại Thanh Chương đang ngập sâu, chia cắt trong lũ
Do mưa to, rất to trong nhiều giờ đồng hồ, sáng 30-10, nước lũ trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An) tiếp tục dâng cao, nhiều địa phương bị ngập sâu và chia cắt.
Ngập lụt sâu ở xã Thanh Sơn. (Ảnh: Xuân Lý)
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Thanh Chương, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp không khí lạnh tăng cường và nhiều động gió đông trên cao, từ đêm 28 đến 9 giờ sáng 30-10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Thanh Chương nói riêng có mưa rất to đến rất to.
Tổng lượng mưa đo được từ 7 giờ sáng 29 đến 5 giờ sáng 30-10 ở Thanh Chương là 610 mm, mực nước trên các sông, suối, hồ đập dâng rất nhanh làm ngập lụt đồng ruộng và các khu dân cư. Nhiều nơi ngập sâu từ một đến hai mét nước.
Mưa lũ đã chia cắt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của nhân dân. Tính đến 9 giờ sáng 30-10, mưa lũ đã là hai người bị thương. Trong đó, một người ở xã Thanh Thủy đi xe máy vướng dây điện bị ngã và một người ở xã Hạnh Lâm bị gãy tay do đi tìm trâu.
Sạt lở đất đá ở rú Nguộc trên Quốc lộ 46. (Ảnh: Xuân Lý)
Mưa lớn làm ngập cục bộ một số khu dân cư. Ngay trong đêm qua, các địa phương đã tổ chức di dời được 879 hộ ở vùng có nguy cơ bị ngập sâu và 84 hộ bị sạt lở đất đến nơi an toàn.
Đáng chú ý, đoàn cứu hộ thiện nguyện đã tiếp cận và cứu hộ thành công 36 người trên địa bàn xã Thanh Mỹ; đồng thời, đã tiếp cận năm hộ trong diện phải cứu hộ khẩn cấp, đưa đến nơi an toàn.
Mưa lũ đã làm hư hại năm nhà dân (ba nhà bị cây đổ đè lên), hơn 520m tường rào trường học, trụ sở UBND xã bị sập đổ… cùng với đó, 473,7ha hoa màu, thủy sản bị ngập. Có hơn 20 điểm tràn, cầu cống, một số tuyến đường bị ngập cục bộ. Hơn 2,6km đường giao thông bị sạt lở, khối lượng hơn 1.800m3 đất đá. Trong đó, có hai tuyến đường sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, là tuyến Quốc lộ 46 qua rú Nguộc (xã Ngọc Sơn) và tuyến đường liên xã, từ Thanh Hương đi Ngọc Lâm. Nước cuốn trôi sáu cầu và qua Thanh Sơn và Thanh Mai...
Ước thiệt hại ban đầu hơn 20 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhạ cho biết, hiện nay, các đoàn công tác của huyện đang có mặt ở những điểm xung yếu, chỉ đạo công tác ứng cứu. Ưu tiên hàng đầu lúc này là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người ở các khu vực ngập sâu. Tổ chức công tác cứu trợ mì tôm, lương khô, nước uống, áo phao... cho vùng ngập lụt.
Lực lượng chức năng cắt cử người canh gác 24/24 giờ tại các tuyến giao thông bị ngập sâu hay bị sạt lở, hư hỏng cấm người và phương tiện qua lại. Các địa phương nghiêm cấm người đánh cá hay vớt gỗ khi nước lũ lên to hay chảy xiết…
Tại điểm sạt lở dài hơn 100m trên Quốc lộ 46, đoạn qua rú Nguộc, lực lượng chức năng đang phân luồng đi vòng qua phía sau, tránh điểm sạt lở. Hiện, đơn vị quản lý đã huy động người và phương tiện tiến hành san gạt đất đá, sớm thông tuyến Quốc lộ 46.
Sạt lở mố cầu ở Thanh Sơn và tuyến đường liên xã.
Mưa lớn gây ngập lụt và chia cắt nhiều khu vực ở Hà Tĩnh
Mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ liền cộng với các hồ đập trên địa bàn đồng loạt xả tràn gây ngập lụt nhiều khu vực tại Hà Tĩnh. Cùng với việc sơ tán các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp do mưa lũ gây ra.
Huyện Can Lộc lập chốt cảnh báo tình trạng ngập lụt tại các tuyến đường trên địa bàn.
Tính đến 11 giờ trưa 30-10, mưa lớn đã gây ngập lụt hơn 1.000 hộ gia đình ở Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Vũ Quang… Cá biệt, một số hộ dân ở Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), Xuân Lĩnh (Nghi Xuân), Nam Điền (Thạch Hà), Đức Dũng (Đức Thọ) bị ngập sâu trong nước từ 0,5 đến 1,2m.
Mưa lớn cũng gây ngập lụt một số đoạn Quốc lộ 1A, 8A và các tuyến đường giao thông ở TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn, nhất là các tuyến đường nội thị thành phố Hà Tĩnh. Trước tình hình đó, công an các địa phương đã gắn biển khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, cấm lưu thông trên các tuyến thấp trũng, đang bị sạt lở.
Theo thông tin từ UBND xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), khoảng hơn 2 giờ sáng 30-10, trên địa bàn thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà - Hà Tĩnh) xảy ra trận lốc xoáy làm tốc mái hơn 29 nhà dân và nhiều công trình phụ, cây cối.
Nhiều tuyến đường nội thị thành phố Hà Tĩnh bị ngập sâu trong nước.
Tính đến thời điểm hiện nay, các địa phương ở Hà Tĩnh đã di dời 457 hộ dân với 1.447 nhân khẩu tại 32 xã trên địa bàn ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất. Cùng với đó, gần 10 nghìn học sinh ở 223 trường học trên địa bàn cũng được nghỉ học, bảo đảm an toàn trước diễn biến phức tạp của mưa lũ.
Nhằm hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, động viên và huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.