VssID sẽ hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện
Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho hay, hiện tại, trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia và Cổng DVC của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH), có triển khai hai DVC là gia hạn thẻ bảo hiểm y tế của gia đình và đóng tiếp BHXH tự nguyện. Đây cũng là hai dịch vụ có tỷ lệ thanh toán lớn nhất tại các cổng DVC trên. Sắp tới, hai dịch vụ này sẽ được triển khai trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số để người tham gia BHXH, nhất là tham gia BHXH tự nguyện, có thể trực tiếp sử dụng các dịch vụ theo cách đơn giản nhất. Việc ghi danh, thanh toán sẽ được thực hiện trên ứng dụng BHXH số này, giúp người dân không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH.
Trước mắt, VssID đã có những tính năng cơ bản nhất, cung cấp các tiện ích và thông tin thiết yếu về quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), tra cứu một số thông tin như mã số BHXH, cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Trong thời gian tới, ứng dụng tăng cường một số tính năng hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể như: nhắc nộp khi đến gần hạn, đồng thời tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến như DVC trên Cổng DVC quốc gia.
BHXH Việt Nam hiện đang cung cấp 19/27 DVC mức độ 3, 4 trên Cổng DVC của ngành. Đến nay, đã có hơn 71 triệu hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên Cổng DVC của BHXH Việt Nam.
Cùng với đó, cơ quan này cung cấp, tích hợp 15 DVC trực tuyến của ngành, đồng bộ hơn 6 triệu hồ sơ trên Cổng DVC Quốc gia.
Bình thường để gia hạn thẻ BHYT, người dân phải đến đại lý để làm hồ sơ, rồi đại lý chuyển về cơ quan BHXH, rồi chờ cán bộ nhập dữ liệu vào hệ thống...Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ qua cổng DVC quốc gia, quy trình rất đơn giản. Chỉ vài phút sau khi khai báo đầy đủ hồ sơ, người khai đã nhận được thông báo kết quả.
Ông Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã gây những khó khăn đến công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là BHXH tự nguyện. Đưa ứng dụng VssID vào sử dụng chính là một trong những giải pháp hướng đến tăng trưởng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Trong năm 2020, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng. Đặc biệt, đại dịch gây áp lực đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện do phải thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động… Tuy vậy, vẫn có một điểm ấn tượng với chính sách phát triển BHXH tự nguyện, khi tăng thêm 418 nghìn người so với năm 2019 chỉ trong 11 tháng. Số người tham gia BHXH tự nguyện cán mốc hơn 970 nghìn người vào thời điểm 30-11-2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh, BHXH Việt Nam đã có các giải pháp tích cực nhằm tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đó là: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách TTHC, giao dịch điện tử; truyên truyền vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tự nguyện qua điện thoại, ứng dụng mạng xã hội…
Góp phần bảo đảm quyền lợi người lao động
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định, hiện nay, nhiều trường hợp người sử dụng lao động, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất ngiệp. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) thường không biết về tình trạng này. Chỉ khi phát sinh vấn đề, họ mới biết.
Luật BHXH năm 2014 quy định rất rõ, định kỳ 6 tháng, NLĐ được cung cấp thông tin về đóng BHXH. Định kỳ hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH.
Nhưng trong thực tiễn, NLĐ và người sử dụng lao động đều không thực hiện. Từ đó, ảnh hưởng tới quyền lợi của NLĐ.
Bằng việc sử dụng VssID, NLĐ có thể trực tiếp quản lý thông tin BHXH của mình, biết được tình trạng người sử dụng lao động có minh bạch, thực hiện chính sách BHXH đầy đủ không. Ngoài ra, NLĐ cần thường xuyên cập nhật, theo dõi tình trạng doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu phát hiện doanh nghiệp cố tình trốn hay nợ đóng BHXH, NLĐ có thể hỏi trực tiếp, phản ánh với công đoàn, hoặc báo cáo cơ quan chức năng để có giải pháp bảo vệ kịp thời.
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, VssID là một công cụ tốt đối với NLĐ. Để cải thiện chất lượng ứng dụng này trong tương lai, nên cải thiện các thủ tục đăng ký sử dụng VssID để NLĐ dễ tiếp cận thuận lợi nhất.
VssID cần tiếp tục được bổ sung, tăng cường tiện ích, theo hướng mở rộng dịch vụ. Thí dụ, không chỉ thí điểm thay thế ảnh thẻ BHXH của VssID ở 10 tỉnh miền trung khi đi khám, chữa bệnh, mà nên mở trên diện rộng thay thế thẻ BHYT, sổ BHXH. Phải tăng cường tích hợp các DVC, thông tin, giúp tiện lợi cho NLĐ.
Tiến tới, ứng dụng phải có các tiện ích thanh toán trực tuyến. Nếu càng tích hợp nhiều, sử dụng thuận lợi, sẽ thu hút NLĐ sử dụng, giúp họ tham gia tích cực hơn vào các chính sách BHXH, BHYT. Điều này có tác dụng lan tỏa, mở rộng đối tượng, thực hiện các chính sách về an sinh xã hội