Nhiều người Đức phải sử dụng tiền tiết kiệm để trang trải chi tiêu

Theo kết quả cuộc khảo sát do Viện thăm dò dư luận Kantar công bố ngày 22/11, gần 20% người Đức đã phải rút tiền tiết kiệm để trang trải chi phí hằng ngày trong bối cảnh lạm phát tăng làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Phố mua sắm Hohe Strasse tại thành phố Hohe Strasse, Đức, tháng 12/2020. (Ảnh: Reuters)
Phố mua sắm Hohe Strasse tại thành phố Hohe Strasse, Đức, tháng 12/2020. (Ảnh: Reuters)

Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 2.000 người. Theo kết quả, 19,4% số người được hỏi cho biết đang phải dùng đến tiền tiết kiệm để vượt qua tình hình khó khăn hiện nay.

Khoảng 12,3% số người được hỏi cho biết, họ không có bất kỳ khoản tiền dự phòng nào nhưng có thể xoay xở bằng việc thắt chặt chi tiêu, trong khi 8% số người phỏng vấn cho biết phải tìm công việc khác hoặc sự hỗ trợ từ chính phủ vì không có tiền để trang trải chi tiêu. Trong khi đó, 57,4% số người được hỏi cho biết chưa cần phải dùng đến tiền tiết kiệm.

Tỷ lệ lạm phát ở Đức đã tăng 10,4% trong tháng 10/2022, cao hơn mức kỷ lục 10% ghi nhận trong tháng 9. Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, giá năng lượng và thực phẩm tăng, đặc biệt giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, là những yếu tố chính khiến lạm phát tiếp tục gia tăng tại nước này.

Tỷ lệ lạm phát cao đang làm suy yếu sức mua của người tiêu dùng. Chuyên gia Rolf Bürkl từ Công ty nghiên cứu tiêu dùng Gfk của Đức cho rằng, các hộ gia đình nước này hiện buộc phải chi nhiều tiền hơn cho năng lượng và các hóa đơn sưởi ấm; do vậy họ phải tiết kiệm các khoản chi khác. Điều này gây hậu quả cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu vì tiêu dùng tư nhân là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế.