Sống ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng gia đình chị Trương Thị Cẩm Lệ, ngụ quận Tân Phú, vẫn thường xuyên về quê nhà An Giang để theo dõi việc sản xuất lúa. “Năm nay lúa trúng mùa, được giá, sau khi trừ các chi phí, chúng tôi có hoa lợi hơn 200 triệu đồng. Chưa biết dùng số tiền trên để đầu tư vào việc gì, qua theo dõi thông tin thấy lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng khá hấp dẫn, tôi bàn với chồng gửi kỳ hạn một năm”, chị Cẩm Lệ chia sẻ.
Giống như chị Cẩm Lệ, nhiều người có tiền nhàn rỗi cũng chọn phương án gửi tiết kiệm. “Tôi ở nhà trọ, giữ tiền trong người không bảo đảm nên hầu như đều gửi ở ngân hàng. Mới đây, ngân hàng tôi thường giao dịch thông báo lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng, sẵn được ba mẹ cho vài trăm triệu đồng tiền bán đất ở quê, tôi gửi hết vào ngân hàng để dành sang năm du học”, bạn Ngô Trà My, 24 tuổi, trợ giảng tại một trung tâm Anh ngữ ở quận 1, cho hay.
Phần lớn ngân hàng trên địa bàn thành phố đều có mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn với khách hàng. Trong biểu lãi suất tháng 7 vừa áp dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) điều chỉnh tăng 0,1 điểm % đối với các khoản gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lên mức 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Agribank.
Với Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Xuất, nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) trong biểu lãi suất gửi online mới nhất, các mức lãi suất đã tăng lên đáng kể. Lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn từ 1-3 tháng vừa được tăng lên 4%/năm (tăng khoảng 0,5 điểm % so với trước đó); kỳ hạn từ 15-36 tháng lên tới 6,5%/năm (tăng tới khoảng 1 điểm % so với trước đó).
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là một trong những ngân hàng điều chỉnh lãi suất mạnh nhất: tăng 0,9 điểm % cho kỳ hạn 1 và 9 tháng; tăng 0,6 điểm % một năm cho kỳ hạn 3 và 12 tháng; tăng 0,8 điểm % cho kỳ hạn 6 tháng khi gửi tại quầy. Với khách hàng giao dịch online, lãi suất tiết kiệm được nâng 0,3 điểm % cho kỳ hạn 6 và 12 tháng, tăng thêm 0,5 điểm % cho kỳ hạn 9 tháng.
Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đã tăng 0,4 điểm % cho khách hàng gửi tiền từ 1-3 tháng tại quầy; các kỳ hạn 6 và 9 tháng được tăng 0,3 điểm %; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2 điểm %. Với giao dịch online, HDBank điều chỉnh lãi suất ở tất cả kỳ hạn phổ biến, trong đó tăng 0,9 điểm % cho kỳ hạn 1 tháng và tăng 1,2 điểm % cho kỳ hạn 6 tháng.
Thực tế cũng cho thấy, không khó để tìm thấy mức lãi suất hơn 7%/năm tại nhiều ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank); Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank); Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank)... Không chỉ cộng thêm lãi suất, nhiều ngân hàng còn áp dụng miễn phí thường niên khi mở thẻ tín dụng quốc tế, miễn phí chuyển tiền cho người thân ở nước ngoài... để thu hút khách hàng.
Tính từ đầu năm tới nay, đã có 31 ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất, đẩy mức lãi suất huy động lên cao với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Hiện, 10 ngân hàng có lãi suất huy động từ 7%/năm trở lên. Lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ở mức 7,55% cho kỳ hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm online.
Theo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động từ đầu năm đến nay tại một số ngân hàng tăng từ 0,3-0,6%/năm. VCBS dự báo, áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tới đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Do vậy, lãi suất huy động cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng khoảng 1-2%/năm trong cả năm 2022; một số ngân hàng thu hút được lượng khách hàng dồi dào sẽ chịu ít áp lực hơn.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán VnDirect nhìn nhận, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức khoảng 5,9-6,1%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022, mức này vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch Covid-19 (khoảng 7%/năm).
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, việc tăng lãi suất huy động phải được tính toán rất kỹ để không gây áp lực lãi suất cho vay đầu ra theo đúng định hướng của Chính phủ và cơ quan quản lý. Điều này sẽ giúp khách hàng là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh vốn đã rất khó khăn trong hai năm vừa qua.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Để ổn định lãi suất cho vay, chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi quy mô lớn với mức lãi suất cho vay thấp, áp dụng với cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động vốn đầu vào để giảm chi phí. Với các biện pháp đã và đang triển khai, chúng tôi kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ổn định trong năm 2022…”.