Nhiều mục tiêu bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm

NDO -

NDĐT - Dân ca ví, giặm sau khi được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, sẽ được tôn vinh trong lễ đón nhận danh hiệu tại TP Vinh vào cuối tháng 1-2015.

Liên hoan dân ca ví, giặm năm 2012.
Liên hoan dân ca ví, giặm năm 2012.

Tại cuộc họp báo vinh danh dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại tổ chức vào sáng nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ẫ đưa ra kế hoạch bảo tồn dân ca ví dặm trong thời gian tới.

Theo đó, sáu hạng mục bảo tồn được đưa ra, gồm có: nghiên cứu kiểm kê, tổ chức truyền dạy trong cộng đồng, quảng bá và phổ biến, ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân, phục hồi những làn điệu truyền thống đã bị mai một và phục dựng các không gian văn hóa, môi trường diễn xướng ví giặm và nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, cán bộ văn hóa cơ sở, đội ngũ nhân lực của các câu lạc bộ và các trung tâm bảo tồn.

Theo ông Nông Quốc Thành – Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa, trong nhiều năm qua, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bảo tồn dưới nhiều hình thức.

Có thể kể đến chương trình dạy hát dân ca trên sóng PTTH từ năm 1996; phong trào hát dân ca và phát triển các CLB đàn và hát dân ca ở cơ sở; các liên hoan, hội thi, hội diễn; sưu tầm, lưu giữ các làn điệu cổ cùng các hội thảo và quá trình sân khấu hóa, đưa dân ca vào các vở ca kịch, chương trình ca múa…

Bộ VHTT&DL cho biết, hiện nay, dân ca ví, giặm đang được lưu truyền trong 26 huyện, thành phố, thị xã thuộc hai tỉnh trên với gần 100 CLB và 803 nghệ nhân. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (Nghệ An) và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn, phát huy di sản này. Cùng với đó, đề nghị Hội văn nghệ dân gian Việt Nam phong danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 24 nghệ nhân.

Trong cuộc giới thiệu lễ đón nhận danh hiệu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại dành cho dân ca ví, giặm vào 19 giờ 30 phút ngày 31-1-2015 tại TP Vinh, truyền trực tiếp trên VTV1, VTV4, NTV, HTV, kế hoạch bảo tồn di sản thế giới này cũng được thông báo. Theo đó, việc nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu di sản sẽ được tiếp tục; cùng với các chương trình, đề án, dự án, hội thảo khoa học nhằm tìm biện pháp bảo vệ, phát huy, tổng kết quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, tìm giải pháp đưa sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển.

Với việc truyền dạy trong cộng đồng, hai tỉnh phấn đấu năm 2015 sẽ có 30-4-% số xã có CLB dân ca Nghệ Tĩnh; tổ chức truyền dạy trực tiếp, cung cấp băng hình, băng nhạc cho các CLB; thi đàn và hát dân ca ở cơ sở 2 năm/lần, ở tỉnh 5 năm/lần. Song song với đó là các lớp truyền dạy của nghệ nhân cho thế hệ trẻ; mở rộng giảng dạy về di sản trên truyền hình, trong trường phổ thông; xuất bản sách, băng đĩa hình, đĩa nhạc… về di sản cung cấp cho cộng đồng.