Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý dịch vụ thẩm mỹ viện

Vụ một người đàn ông 43 tuổi chết nghi do hút mỡ bụng tại Thẩm mỹ viện Việt Hàn (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thêm một lần gióng lên hồi chuông báo động về việc buông lỏng quản lý hành nghề y dược tư nhân. Ðây cũng là lời cảnh tỉnh cho người dân, khách hàng khi chọn dịch vụ làm đẹp.

Ðoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội, HÐND thành phố Hà Nội khảo sát một cơ sở chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: xuân lộc
Ðoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội, HÐND thành phố Hà Nội khảo sát một cơ sở chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ảnh: xuân lộc

Theo Trưởng phòng Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) Nguyễn Quang Trung, trên địa bàn Hà Nội hiện có 83 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được cấp giấy phép hoạt động. Thẩm mỹ viện (TMV) Việt Hàn là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, không phải phòng khám. Do vậy, Sở Y tế không cấp phép hoạt động hút mỡ bụng cho cơ sở này. Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc thẩm mỹ viện Việt Hàn thuộc UBND quận Cầu Giấy quản lý.

Theo quy định, các dịch vụ như: nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ bụng phải thực hiện gây mê, cho nên chỉ được phép làm tại các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đã được phê duyệt danh mục kỹ thuật. Còn thẩm mỹ viện chỉ được thực hiện các dịch vụ làm đẹp không xâm lấn, bao gồm: phun, xăm thẩm mỹ, chăm sóc da, xoa bóp, mát-xa..., không được làm dịch vụ hút mỡ bụng. Tuy nhiên, cơ sở TMV Việt Hàn đã cố tình hoạt động quá phạm vi cho phép và gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, TMV này cũng đã bị quận Cầu Giấy kiểm tra và xử phạt vì hành vi quảng cáo quá phạm vi cho phép.

Ông Nguyễn Quang Trung cũng giải thích, điều kiện để phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đi vào hoạt động được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh là phải bảo đảm điều kiện về con người và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bác sĩ phụ trách chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ, có thời gian thực hành đủ 54 tháng. Bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ phẫu thuật, trước hết phải là bác sĩ có học chuyên khoa định hướng, chuyên khoa 1 hoặc thạc sĩ về chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ và có thời gian thực hành 18 tháng tại bệnh viện có giường bệnh chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, thì mới đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề phạm vi hoạt động chuyên môn là phẫu thuật thẩm mỹ.

Quy định là vậy, tuy nhiên, dịch vụ TMV, spa trên địa bàn mọc lên “như nấm sau mưa”, nhiều nơi vì lợi nhuận đã bất chấp sức khỏe, tính mạng của khách hàng, thực hiện các kỹ thuật tiêm, phẫu thuật thẩm mỹ “chui”. Người thực hiện là các nhân viên học “mót”, học“dạo” dẫn tới tai biến y khoa gây chết người. Hậu quả của việc làm đẹp ở những cơ sở dịch vụ TMV, spa “chui” vô cùng khủng khiếp, nhiều người đã phải trả giá bằng tính mạng khi tiêm si-li-côn nâng ngực, nâng mông, hút mỡ bụng, nhưng vẫn có nạn nhân đi theo “vết xe đổ” đó.

Ðề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết, bản thân ông đã cấp cứu cho nhiều trường hợp bị biến chứng sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Nhiều người vào viện trong tình cảnh “thập tử nhất sinh”, nhưng nhất quyết không chịu nói ra cơ sở thẩm mỹ đã lừa đảo mình. Bởi chị em đi làm đẹp thường giấu gia đình, khi tai biến y khoa xảy ra rất ngại để người thân và mọi người biết. Thậm chí có tình trạng một số cơ sở làm đẹp “chui” chạy theo lợi nhuận, sử dụng si-li-côn công nghiệp - chất tuyệt đối không được sử dụng trên người thành chất làm đầy.

Dịch vụ TMV, spa do Phòng Kinh tế - Tài chính UBND các quận, huyện cấp phép, giao cho cấp phường quản lý, nhưng trên thực tế, việc kiểm tra, phát hiện vi phạm của cấp phường lại như “mò kim đáy bể”. Nhìn từ các ca tai biến y khoa do làm đẹp ở những cơ sở “chui” vừa qua có thể thấy, công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng, cấp phép nhiều nhưng gần như không hậu kiểm, chính quyền địa phương được giao quản lý, nhưng một số cơ sở hoạt động sai phép, hoặc quá phạm vi cho phép, khi hậu quả xảy ra thì chính quyền mới biết.

Một lỗ hổng nguy hiểm gây ra hậu quả nặng nề là các trang web, facebook, fanpage quảng cáo các dịch vụ làm đẹp tràn lan trên mạng, quảng cáo quá sự thật, đưa hình ảnh hấp dẫn nhằm câu khách khiến nhiều chị em thấy rẻ, đẹp và tin dùng. Việc này đã góp phần cho các cơ sở thẩm mỹ hoạt động sai phép.

Rõ ràng, vấn đề đặt ra ở đây là việc cấp phép quản lý, nhất là công tác quản lý của chính quyền địa phương. Qua vụ việc này, các chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa trong việc nắm, rà soát và siết chặt quản lý hệ thống phòng khám, TMV tư nhân đang hoạt động trên địa bàn. “Ðề nghị các cơ quan báo chí, chính quyền địa phương cũng như người dân tăng cường phát hiện và phản ánh ngay những cơ sở có vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh xử lý” - ông Nguyễn Quang Trung lưu ý.