Mới đây, Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế đã công nhận kỹ thuật mới của BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh sau thời gian triển khai thí điểm kỹ thuật điều trị u gan bằng vi sóng (Microwave Ablation). Với kỹ thuật này, u gan sẽ bị phá hủy bằng đốt vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm, thời gian nằm viện chỉ một ngày thay vì nằm điều trị vài tuần bằng phương pháp phẫu thuật như trước đây.
Thủ thuật đốt u gan bằng RFA hoặc MWA được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm cho nên can thiệp tối thiểu cho NB thay vì phẫu thuật nặng nề, bằng việc không cắt bỏ khối u như phẫu thuật mà dùng năng lượng sóng cao tần (RFA) hoặc vi sóng (MWA) truyền qua kim điện cực để làm phá hủy hoại tử khối u, đưa đến hiệu quả điều trị tương đương phẫu thuật cắt u. Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV cho biết, với những NB bị ung thư gan giai đoạn khối u có kích thước còn nhỏ dưới 3 cm, thay vì phải phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ khối u với thời gian nằm viện kéo dài thì nay đã được xử lý bằng phương pháp mới nhẹ nhàng hơn không cần phải phẫu thuật, chỉ cần đưa điện cực xuyên da để đốt bằng vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm.
Thời gian triển khai thí điểm tại BV Ung bướu, 31 NB bị ung thư gan đã được can thiệp điều trị bằng kỹ thuật vi sóng, kết quả: 98% thành công với một lần can thiệp, chỉ 2% phải đốt lại lần thứ hai sau hai tháng. Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận là không có một biến chứng nào như tràn dịch màng phổi, bỏng da vùng đưa điện cực vào.
BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng phẫu thuật nội soi điều trị thành công trường hợp ung thư gan tái phát. NB là ông H.N.V (68 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận), có tiền sử mắc bệnh viêm gan siêu vi B kèm xơ gan mức độ nhẹ (Child A). Tháng 9-2016, ông V được chẩn đoán ung thư gan, với khối u có kích thước 7x8 cm ở gan phải, các bác sĩ BV Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tổ chức hội chẩn, chỉ định làm thủ thuật nút hóa chất động mạch điều trị ung thư gan (TACE). Sau thủ thuật TACE, ông V được hẹn tái khám sau hai tháng để theo dõi, chụp cắt lớp (MSCT) cho thấy, khối u ngấm thuốc tốt, không có dấu hiệu tiến triển bệnh. Sau đó, ông V được hẹn tái khám mỗi ba tháng, đến tháng 5-2017, trên hình ảnh MSCT, ngoài khối u gan đã được điều trị, phát hiện thêm một khối u mới bên gan trái, kích thước 5x7 cm, các bác sĩ hội chẩn, nhận thấy vị trí u thuận lợi cho việc phẫu thuật nội soi cắt bỏ u. Sau gần hai giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u thành công bằng phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật hai tháng, NB lại được chụp kiểm tra và không phát hiện tái phát u mới.
Một phương pháp tiên tiến nữa là dùng rô-bốt phẫu thuật ung thư gan. Mới đây nhất, BV Bình Dân đã phẫu thuật cắt trọn vẹn hai thùy gan trái với sự hỗ trợ của rô-bốt thế hệ mới. Đây cũng là trường hợp ứng dụng rô-bốt cắt gan trên người lớn đầu tiên tại Việt Nam nhằm giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phẫu tích tinh tế các mạch máu quan trọng của gan với sự xâm lấn tối thiểu. NB là C.M.T (nam, 59 tuổi, ngụ Long An) được phát hiện có một khối ung thư gan kích thước 6cm vùng hạ phân thùy II và III, nhưng chưa di căn hạch. Để giảm thấp nhất nguy cơ tổn thương mạch máu gan, nhất là tổn thương tĩnh mạch, dẫn tới nguy cơ chảy máu ồ ạt, gây nguy hiểm tính mạng cho NB, các bác sĩ đã quyết định lựa chọn phẫu thuật bằng rô-bốt để thực hiện cắt trọn vẹn các thùy gan có tế bào ung thư. Theo BV, rô-bốt phẫu thuật cho phép bác sĩ quan sát rõ cấu trúc giải phẫu của các cơ quan qua màn hình 3D, chuẩn HD với độ phóng đại gấp 12 lần. Các cánh tay rô-bốt thực hiện linh hoạt các thao tác vén mô, bộc lộ trường mổ rõ ràng, bóc tách một cách tinh tế, cắt đốt an toàn từng thùy gan và mạch máu vùng gan. Nhờ vậy, khối u vừa được loại bỏ triệt để vừa giảm thấp nhất tổn thương phần gan còn lại, duy trì chức năng gan sau mổ cho NB. Hiện, NB đã tự đi đứng và ăn uống được, ít đau vùng vết mổ và vừa được xuất viện ngày 8-8.
Cùng với đó, kỹ thuật nạo hạch chậu làm giảm tỷ lệ tái phát ung thư trực tràng đang được BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh triển khai áp dụng vào đầu năm 2017, sau khi thực hiện thành công kỹ thuật “Nạo hạch chậu trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng”. Đây là kỹ thuật tiên tiến lần đầu được thực hiện tại Việt Nam, giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tái phát tại chỗ, đem lại lợi ích thiết thực cho NB. Theo BV, qua áp dụng kỹ thuật này, kết quả điều trị ban đầu rất khả quan, tỷ lệ thành công cao và không có trường hợp nào để lại tai biến, biến chứng. Thời gian mổ trung bình từ 60 đến 80 phút khi nạo hạch chậu và ngày càng được rút ngắn.
Đơn cử, trường hợp của NB Đào Thị T (46 tuổi, ngụ Tiền Giang) đã được mổ ung thư trực tràng hai năm. Lần tái khám gần đây đã phát hiện khối hạch di căn rất lớn (50mm) vùng chậu bên trái. Trên phim chụp cũ của NB đã có hạch chậu 8mm và không được phẫu thuật. Bình thường, trường hợp này sẽ được chỉ định hóa trị tiếp nhưng cơ may triệt để là không còn. Tuy nhiên, ê-kíp bác sĩ Khoa ngoại tiêu hóa quyết định phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu bên trái cho NB, giúp lấy trọn các tế bào ung thư còn sót lại, NB có thêm cơ hội điều trị triệt để.