Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11)

Tối 23-11, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ khai mạc triển lãm "Không gian di sản văn hóa Việt Nam năm 2018" và đêm hội tôn vinh di sản văn hóa.

Ðây là một trong những điểm nhấn của loạt các sự kiện và hoạt động chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam từ ngày 23 đến 25-11 với sự phối hợp tổ chức của ngành văn hóa, thể thao và du lịch của 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh giá trị các di sản văn hoá đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt là các Di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Triển lãm bao gồm không gian "Hành trình di sản văn hóa Việt Nam", giới thiệu khái quát về lịch sử văn hóa, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam; trưng bày tư liệu, hình ảnh và hiện vật về áo dài phụ nữ Việt Nam theo từng giai đoạn lịch sử của Bảo tàng Áo dài; khu triển lãm của các tỉnh, thành phố với chủ đề "Di sản văn hóa các vùng miền", giới thiệu và quảng bá các giá trị di sản, tiềm năng và sản phẩm du lịch địa phương. Trong lễ khai mạc triển lãm đã diễn ra chương trình đêm hội tôn vinh di sản văn hóa Việt Nam với nhiều tiết mục ca múa nhạc dân tộc đặc sắc do nghệ nhân và nghệ sĩ của các đoàn thể hiện.

Tối cùng ngày, tại Quảng trường Lâm Viên, TP Ðà Lạt (Lâm Ðồng), Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Ðồng, khai mạc liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, lần thứ hai năm 2018. Ðây là sự kiện chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, kỷ niệm 125 năm Ðà Lạt hình thành và phát triển. Với chủ đề "Trường Sơn Tây Nguyên - đoàn kết, bản sắc và phát triển", chương trình khai mạc với màn biểu diễn của đoàn nghệ nhân Lâm Ðồng, nghi lễ rước vật thiêng của các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên, diễn xướng dân gian, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống và màn đại diễn tấu "Cồng chiêng tiếng vọng đại ngàn". Trong thời gian liên hoan, sẽ diễn ra hội thi trai tài, gái đảm; diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc; trải nghiệm miền đất nam Tây Nguyên và đêm hội đại đoàn kết toàn dân. Liên hoan bế mạc ngày 25-11.

★ Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, ngày 23-11, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức triển lãm "Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới". Hơn 60 phiên bản Mộc bản, các tài liệu, hình ảnh về quy mô, kiến trúc, quá trình xây dựng Hoàng thành Thăng Long được trưng bày tại triển lãm, phản ánh khái quát quá trình xây dựng và thay đổi cấu trúc không gian của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ 7 đến 19. Cùng thời gian, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác thời gian tới.

★ Tại Hà Nội, Tạp chí Việt Nam Heritage (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi ảnh di sản Việt Nam năm 2018. Từ gần 5.000 tác phẩm ảnh dự thi của hơn 500 tác giả, có 19 tác phẩm xuất sắc nhất được chọn để trao giải. Giải thưởng Ảnh di sản Việt Nam có hai Giải nhất (Lễ cấp sắc người Dao Quần Chẹt của Nguyễn Mạnh Cường, Nghề làm bánh hỏi truyền thống của Nguyễn Cảnh Hùng); Giải thưởng Trẻ có một Giải nhất (Em tan trường về của Lương Nam Nhật Long); Giải thưởng Một năm bay Vietjet được trao cho tác phẩm Ngắm nhìn Việt Nam của Nguyễn Ngọc Thái.

★ Ngày 23-11, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp Hội Di sản thành phố tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm, Ban tổ chức đã trao giải cuộc thi "Di sản văn hóa trên từng con đường thành phố", khen thưởng cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn di sản văn hóa thành phố trong năm 2018.

★ Ngày 23-11, Bảo tàng Ðà Nẵng tổ chức chương trình "Nghệ nhân trao truyền" với chủ đề "Mặt nạ thời gian", nhằm tôn vinh, bảo tồn và quảng bá văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung, xứ Quảng nói riêng. Ðây cũng là dịp để công chúng và giới trẻ có dịp tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm thực tế nét đẹp, giá trị văn hóa đặc sắc của mặt nạ truyền thống Việt Nam và giao lưu với các nghệ nhân.

★ Ngày 23-11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức trưng bày chuyên đề "Di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình" tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình. Gần 200 tài liệu, hiện vật gốc đã giới thiệu đến người xem những nét đặc trưng của văn hóa người Mường tỉnh Hòa Bình; tìm hiểu về các di sản tiêu biểu như: trống đồng, chiêng, lịch đọi, gốm cổ và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường.

★ Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ cúng trưởng thành của người Ê Ðê ở huyện Sông Hinh và huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên" đã được UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 23-11. Ðây là lễ cúng trưởng thành thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng của đồng bào Ê Ðê Phú Yên. Qua nghi lễ, các phong tục, tập quán xã hội, trang phục truyền thống được bảo tồn; văn hóa cồng chiêng được thực hành cùng các điệu nhảy, điệu múa truyền thống.

★ Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, Bảo tàng tỉnh Ðác Lắc tổ chức tiếp nhận nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị do các tổ chức, cá nhân hiến tặng. Hơn 700 hiện vật đã được năm tổ chức và gần 50 cá nhân hiến tặng.

★ Tối 23-11, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Ðào Duy Từ, Hoàn Kiếm) Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã khai mạc chương trình "Nét xưa". Tâm điểm là các hoạt động: giới thiệu trang phục áo dài hai miền bắc - trung, giao lưu âm nhạc và trưng bày, giới thiệu bộ sưu tập đạo cụ nhạc khí Cung đình Huế.

Dịp này, Ban Quản lý Phố cổ tổ chức tọa đàm "Tục thờ Tổ nghề ở Việt Nam dưới góc độ đạo Hiếu" và Triển lãm ảnh một số làng nghề gắn với các Ðình tổ Nghề trong Khu Phố cổ Hà Nội.