Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột

NDO -

NDĐT - Chiều 11-3, một trong những hoạt động thiết thực của Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 đã diễn ra chương trình trình diễn đúc cồng chiêng Ê đê. Chương trình do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đác Lắc tổ chức lần đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đác Lắc, đã thu hút đông đảo các già làng, nghệ nhân đồng bào dân tộc Ê đê và người dân trên địa bàn tỉnh Đác Lắc đến xem.

Các nghệ nhân của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã trình diễn quy trình đúc chiêng Ê đê.
Các nghệ nhân của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã trình diễn quy trình đúc chiêng Ê đê.

Phát biểu tại chương trình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đác Lắc Đặng Gia Duẩn khẳng định: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” ở Đác Lắc trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến nay trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ nói chung, tỉnh Đác Lắc nói riêng chưa có nghệ nhân nào biết đúc chiêng hoặc hộ gia đình hay doanh nghiệp nào đứng ra mở cơ sở nghề và truyền nghề đúc chiêng. Mỗi khi có nhu cầu sử dụng cồng chiêng, các dân tộc Tây Nguyên đều phải tìm đến địa phương khác mua về để sử dụng. Do đó, lâu nay các nghệ nhân và đồng bào dân tộc Ê đê ở các buôn làng Tây Nguyên ngày đêm vẫn diễn tấu các bộ cồng chiêng quý hiếm nhưng không biết quy trình để sản xuất nó như thế nào.

Vì vậy, việc tổ chức trình diễn đúc cồng chiêng của người Ê đê tại Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, hy vọng góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá đến nhân dân, bạn bè, du khách trong nước và quốc tế về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, cũng như về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa lịch sử ra đời của những bộ chiêng quý, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là việc làm hướng đến thực hiện cam kết với Tổ chức UNESCO, chương trình hành động của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh Đác Lắc về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột ảnh 1

Một tiết mục dân ca-dân vũ trong Ngày hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar.

Tại buổi lễ, 10 nghệ nhân của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã trình diễn quy trình từ khâu nung chảy nguyên liệu, đổ khuôn đến khâu cho ra một bộ cồng chiêng Ê đê hoàn chỉnh. Sau đó, bộ chiêng được các nghệ nhân Ê đê chỉnh âm phù hợp với diễn tấu cồng chiêng của đồng bào Ê đê.

Nghệ nhân Dương Ngọc Tuyển ở làng nghề đúc đồng Phước Kiều chia sẻ: Làng nghề đúc đồng Phước Kiều có từ đầu thế kỷ thứ 17, đã hình thành và phát triển trên 400 năm qua. Đến nay, làng nghề đúc đồng Phước Kiều cung cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hơn 4.000 bộ chiêng các loại, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Hôm nay được đến trình diễn đúc cồng chiêng Ê đê ngay giữa trung tâm vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, nơi được UNESC công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, tôi rất xúc động và vui mừng vì mình vừa giới thiệu một nghề truyền thống đúc chiêng được lưu truyền hàng trăm năm nay cho đông đảo người dân ở Tây Nguyên biết, đồng thời để đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên thấy được nỗi khó khăn, vất vả của nghề đúc chiêng Ê đê, từ đó cùng nhau bảo vệ các bộ chiêng quý trước tình trạng chảy máu cồng chiêng ở các buôn làng Tây Nguyên hiện nay.

Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột ảnh 2

Sau khi đúc chiêng, các chiếc chiêng được chỉnh âm cho phù hợp với âm hưởng của đồng bào dân tộc Ê đê.

Nằm trong khuôn khổ những hoạt động của Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, trong hai ngày 10 và 11-3, tại xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc đã diễn ra chương trình Ngày hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Ê đê. Tham gia ngày hội có 12 đơn vị đến từ các buôn trên địa bàn xã với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc dân tộc bản địa của vùng đất Tây Nguyên như: Hát dân ca, dân vũ; thi ẩm thực truyền thống; trình diễn nghề dệt thổ cẩm; tạc tượng gỗ; đan lát; thi cà kheo, nhảy bao bố, kéo co, đẩy gậy, giã gạo; trình diễn trang phục truyền thống… thu hút đông đảo các già làng, nghệ nhân, người dân, đặc biệt là các thanh thiếu niên trên địa bàn xã tham gia.

Xã Ea Tul hiện có hơn 2.000 hộ dân, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Ê đê và đây cũng là cái nôi của văn hóa Ê đê. Ngày hội Văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống là một hoạt động ý nghĩa, nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy và giới thiệu đến du khách các giá trị văn hóa truyền thống của người Ê đê; đồng thời là dịp để các nghệ nhân, người dân cùng tham gia trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, tích cực xây dựng thôn, buôn ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Cũng trong các hoạt động của Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột Thuột lần thứ 7 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Đác Lắc phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức trưng bày chuyên đề “Hội tụ ba miền di sản” nhằm phục vụ du khách nhân dịp Lễ hội Cà-phê và kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đác Lắc (10-3-1975 – 10-3-2019).

Chuyên đề trưng bày, giới thiệu hơn 150 hình ảnh, tư liệu, hiện vật đặc sắc của ba loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận gồm: Dân ca quan họ, Đờn ca tài tử và Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Tại đây cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động trải nghiệm, trình diễn, giao lưu trực tiếp với các nghệ nhân am hiểu các loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể nói trên.

Hoạt động thiết thực này nhằm góp phần tôn vinh, phát huy và kết nối các giá trị văn hóa, lịch sử của mỗi địa phương; tăng cường, thúc đẩy sự liên kết, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch của các vùng miền, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế. Những hoạt động trình diễn văn hoá - văn nghệ trong chuyên đề “Hội tụ ba miền Di sản” sẽ kéo dài đến hết ngày 16-3.

Theo Ban tổ chức Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, trong khuôn khổ Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần này diễn ra từ ngày 9 đến 16-3 còn có nhiều hoạt động như: Triển lãm chuyên ngành cà-phê; triển lãm ảnh 44 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột - Những chặng đường lịch sử; triển lãm lịch sử cà-phê thế giới; Lễ hội đường phố, Hội voi Buôn Đôn; đua thuyền độc mộc; Trình diễn các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn...