Phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện có 85 chung cư đã có người ở, trong đó 68 chung cư đã thành lập ban quản trị, bốn chung cư chuẩn bị tổ chức hội nghị nhà chung cư, còn lại 13 chung cư chưa thành lập ban quản trị. Trong số những chung cư chưa thành lập ban quản trị, thời gian gần đây tại chung cư Phương Đông Green Park (số 1 đường Trần Thủ Độ) và chung cư Osaka Complex (ngõ 48 đường Ngọc Hồi) liên tiếp xảy ra tranh chấp.
Cụ thể, tại chung cư Phương Đông Green Park có 960 căn hộ, cư dân đã nhận bàn giao căn hộ và sinh sống ổn định từ năm 2021 đến nay, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị, bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà.
Còn tại chung cư Osaka Complex, do vướng mắc trong việc nộp kinh phí bảo trì và sử dụng kinh phí bảo trì tòa nhà, đơn vị vận hành tòa nhà đã tạm dừng hoạt động một số dịch vụ thiết yếu như thang máy vận chuyển người, thang chuyển rác thải, dịch vụ dọn vệ sinh, khiến sinh hoạt của cư dân vô cùng khó khăn. Không chỉ phường Hoàng Liệt, trên địa bàn quận Hoàng Mai còn nhiều chung cư đang xảy ra tranh chấp. Cụ thể, trong tổng số 164 nhà chung cư đưa vào sử dụng từ năm 2005 (từ khi có Luật Nhà ở năm 2005), có 31 nhà chung cư đang xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.
Cũng liên quan đến quỹ bảo trì, mới đây nhất, cư dân chung cư Golden Land ở quận Thanh Xuân liên tục phản ánh nhiều khoản chi phí cao bất thường khi ban quản trị tiến hành sửa chữa nhà để rác thải, cải tạo mặt ngoài tòa nhà... Việc sửa chữa các hạng mục tòa nhà, mua sắm trang, thiết bị chưa được thực hiện đúng quy định, thiếu minh bạch, dẫn đến nhiều ý kiến thắc mắc trong cư dân.
Ngoài ra, tại các chung cư như The Legacy (số 106 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính), chung cư King Palace (số 108 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình), chung cư Sông Đà-Việt Đức (ngõ 164 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính)... thuộc quận Thanh Xuân cũng đang xảy ra tranh chấp.
Các tranh chấp phần lớn liên quan diện tích sử dụng chung, riêng, quỹ bảo trì, sử dụng quỹ bảo trì, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ...
Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, nhằm đưa các chung cư vào hoạt động nền nếp, hằng năm quận xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư cho lãnh đạo, cán bộ các phòng, ban chuyên môn, cũng như lãnh đạo, cán bộ cấp phường, các khu dân cư, tổ dân phố. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà chung cư vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, trong công tác nghiệm thu, bàn giao nhà chung cư, nhiều trường hợp hồ sơ pháp lý không rõ ràng, không thống nhất, dẫn đến phát sinh các tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư trong việc phân định diện tích sở hữu chung, riêng. Một số dự án bị chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh quy hoạch khi chưa được phê duyệt, cho nên chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu.
Trong công tác thành lập ban quản trị, nhiều chủ đầu tư không phối hợp tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu hoặc không cử người tham dự hội nghị nhà chung cư. Bên cạnh đó, một số ban quản trị còn vi phạm trong việc sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành tòa nhà; chưa hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật về nhà ở trong từng thời kỳ, dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân.
Để hạn chế các tranh chấp tại chung cư, chính quyền các cấp cần kịp thời triển khai các giải pháp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng không để trở thành các vụ việc phức tạp, gây mất trật tự công cộng.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm. Đặc biệt, thành phố cần yêu cầu các đơn vị chức năng kiên quyết không cho phép các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng, hoặc đang vi phạm mà chưa khắc phục dứt điểm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư được tham gia các dự án phát triển nhà ở mới trên địa bàn thành phố ■