ND- Tự hào là quê hương vinh dự năm lần đón Bác Hồ về thăm, tuổi trẻ Ninh Bình tiếp nối truyền thống cha anh, sau hơn hai năm thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xuất hiện nhiều tấm gương sáng đẹp.
Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 là thời gian "nước rút" của một năm học. Trưởng ban Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng khối trường học (Tỉnh đoàn Ninh Bình) Lê Thị Lựu bận rộn với công việc. Vừa tham gia đoàn kiểm tra các phong trào thi đua ở một số cơ sở, buổi tối, Lựu xây dựng kế hoạch mở lớp tập huấn về tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh, thiếu niên, nhi đồng sao cho thật bổ ích và lý thú. Khối trường học do Lê Thị Lựu phụ trách, gồm 41 trường đại học, cao đẳng, phổ thông và 197 trường trung học cơ sở, tiểu học được phối hợp kiểm tra thường xuyên nhằm phát huy những gương người tốt, việc tốt, những việc làm có ích, đồng thời ngăn chặn sớm tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.
Lau những giọt mồ hôi trên trán, Lựu vui vẻ: - Mệt, nhưng vui lắm, anh ạ. Nhiều hôm đi xuống cơ sở từ sáng sớm đến tối nhọ mặt người mới về. "Em có gia đình rồi, con nhỏ, nhưng chồng cảm thông với công việc. Những lúc em phải vắng nhà, anh ấy vui vẻ làm thay việc gia đình". - Lựu tự hào nói về người chồng của mình. Mỗi năm, khi chuẩn bị cho dịp hè là công việc của Lựu lại bộn bề. Những dịp kỷ niệm các sự kiện lớn, như Ngày thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3), Ngày sinh của Bác Hồ (19-5), Quốc tế Thiếu nhi 1-6... là những mốc thời gian để đoàn viên, thanh niên có nhiều hoạt động: Thi đua học tập tốt, trợ giúp người nghèo, giúp sách vở, bút mực, quần áo cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, v.v.
Khi triển khai cuộc vận động "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác", BCH Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Ninh Bình đã đưa ra những việc làm cụ thể. Ðó là, làm việc gì có ích, là làm theo lời Bác dặn. Ngày 27-2-2007, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Ninh Bình phát động phong trào thi đua "Tuổi trẻ Ninh Bình làm theo lời Bác", với sự tham gia của gần ba nghìn người, đại diện cho gần 40 nghìn đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Các cơ sở đoàn ở địa phương tổ chức gần 300 diễn đàn "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác", bao gồm: tọa đàm trao đổi, giao lưu văn nghệ giữa đoàn viên thanh niên với các "cựu" cán bộ đoàn đã từng được gặp Bác Hồ và nhận Huy hiệu Bác Hồ, gặp gỡ giao lưu điển hình đoàn viên, thanh niên tiên tiến trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự trị an, xây dựng nếp sống văn hóa nơi dân cư, v.v. Ðáng chú ý là, đoàn viên, thanh niên ở Ninh Bình còn tổ chức quyên góp và khởi công xây dựng 14 ngôi nhà tình nguyện và nhà văn hóa thôn ở những xã đặc biệt khó khăn, 441 công trình Thanh niên, 405 công trình "Măng non nhớ ơn Bác Hồ"; nạo vét và đào đắp 13 km kênh mương, thủy lợi nội đồng, sửa chữa gần 100 km đường nông thôn. Ðội TNTP Hồ Chí Minh cũng theo gương cha anh, hưởng ứng cuộc vận động thông qua phong trào "Thiếu nhi Ninh Bình học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy". Nhiều liên đội tổ chức thi kể chuyện về Bác Hồ, thực hiện "kế hoạch nhỏ" thu gom gần 100 tấn phế liệu, giữ gìn sách cẩn thận để giúp những học sinh hoàn cảnh khó khăn ở cấp học tiếp theo.
BCH Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Yên Mô là đơn vị triển khai sớm Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bí thư Huyện đoàn Vũ Anh Tuấn nói: - Tuổi trẻ Yên Mô học tập và làm theo lời Bác gắn với thực hiện các phong trào "Bốn đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp", "Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc". Cụ thể là các hoạt động sôi nổi: Thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thi học sinh thanh lịch; thi sáng kiến kinh nghiệm trong đoàn viên, thanh niên khối cơ quan; chương trình "Ngày hội thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam" trong thanh, thiếu niên, nhi đồng. Cùng với 16 buổi tọa đàm thanh niên "sống đẹp, sống có ích", 18 lớp học chuyên đề, 160 buổi sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo lời Bác, Ban Thường vụ huyện Ðoàn còn phát động các phong trào như quyên góp 65 triệu đồng, ủng hộ 300 ngày công để xây dựng Nhà tình nguyện tặng vợ liệt sĩ Phạm Thị Mật (ở xã Khánh Dương), gia đình cựu TNXP Vũ Thị Dần (ở xã Khánh Thượng); làm đường tới các gia đình chính sách ở thôn Hồng Phong, xã Yên Mạc; xây bể nước sạch tặng gia đình chính sách của đoàn viên, thanh niên xã Yên Thắng, với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.
Phong trào "Bốn mới" của đoàn viên, thanh niên nông thôn đã có hiệu quả tốt; đồng thời nhiều cá nhân, tổ chức đoàn cơ sở còn vay vốn xây dựng mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Ðoàn thanh niên xã Yên Mạc với mô hình nuôi nhím cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm; thanh niên xã Yên Từ xây dựng tổ hợp trang trại nuôi trồng thủy sản; Chi đoàn Quyết Thắng với phong trào "Giao lưu với nghề nông"; Câu lạc bộ "Thanh niên làm kinh tế giỏi" với hơn 50 hội viên tham gia. Phong trào thanh niên tình nguyện phát triển vượt qua mục tiêu ban đầu là "mùa vụ", nay duy trì thường xuyên. Ðông đảo đoàn viên, thanh niên sẵn sàng nhận nhiệm vụ, "đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên", như phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, đẩy mạnh sản xuất vụ đông xuân. Gần 40 đoàn viên, thanh niên viết đơn "tình nguyện tập trung".
- Tình nguyện tập trung? Tôi hỏi.
- Ðúng, tình nguyện tập trung - Phó Bí thư Nguyễn Thị Quế giải thích - Ðoàn viên, thanh niên biên chế vào danh sách "cứng", ổn định đội hình. Khi nào thiếu người thì bổ sung ở các chi đoàn. Hoạt động tình nguyện như làm đường dân sinh; thăm hỏi, giúp đỡ người nghèo; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; phát động quyên góp cặp, sách giáo khoa cũ tặng học sinh nghèo. Huyện đoàn xây dựng sáu chuẩn mực đạo đức, nêu rõ trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong thời kỳ mới.
Một bước "đột phá" xây dựng nếp sống mới ở huyện Yên Mô là "cụ thể hóa" nghị quyết 01 về tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm giai đoạn 2007 - 2012 theo mô hình "sáu không": không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài; không hút thuốc lá; không tổ chức quá một ngày rưỡi; không tổ chức vui chơi, văn nghệ quá 22 giờ; tổ chức hôn lễ không quá 45 phút; không lợi dụng đám cưới để tụ tập uống rượu, bia say, càn quấy gây mất an ninh trật tự và tổ chức đánh bài bạc; không vi phạm Luật ATGT nhất là trong quá trình tổ chức đưa, đón dâu. Các đoàn viên, thanh niên trong huyện Yên Mô đã tổ chức gần 200 đám cưới theo nếp sống mới. Ban Thường vụ Huyện đoàn còn đề ra "năm xây", "năm chống".
Nhìn dáng người nhỏ nhắn, không ai nghĩ Vũ Thị Hồng Thêm làm được những việc khó khăn là chuyển nhận thức của nhiều bạn trẻ và phụ huynh trong việc tổ chức lễ cưới ở Yên Thành. Hồng Thêm kể: Em nguyên là bí thư chi đoàn trại Ðanh (xã Yên Thành), là xã nghèo trong 23 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Bình. Nhiều năm trước, Yên Thành "nổi tiếng" về đám cưới, đám tang rầm rộ. Ðám cưới kéo hai, ba ngày; còn đám tang cũng rất tốn kém. Người cưới sau muốn to hơn đám cưới trước một tý kẻo sợ dân làng chê cười. Cái hơn "một tý" đã đẩy nhiều cặp vợ chồng sau khi cưới phải nai lưng kéo cày trả nợ. Mùa cưới năm 2006, Hồng Thêm bắt tay vào việc vận động thanh niên trong xã thực hiện cưới theo nếp sống mới. Cô đến từng nhà, nói chuyện với đôi bạn trẻ rồi tìm gặp "phụ huynh" của họ, về nét đẹp của đám cưới văn minh, tiết kiệm nhưng vẫn trang trọng.
Ra trường năm 2001, Nguyễn Thị Hồng Hạnh về giảng dạy phổ thông cơ sở, sau đó là phổ thông trung học huyện Kim Sơn; năm 2005, chuyển về trường Yên Khánh B, một trường có bề dày gần nửa thế kỷ.
- Năm 2007, em tham gia công tác đoàn, là bí thư đoàn trường. - Hồng Hạnh nói. Nhà trường phát động nhiều đợt thi đua, với nội dung hấp dẫn và thiết thực, nhất là phong trào "Tuổi trẻ Ninh Bình làm theo lời Bác" do Tỉnh đoàn phát động, được đoàn viên, thanh niên tích cực thực hiện. Từ năm 2007 đến nay, đoàn trường tổ chức các diễn đàn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tổ chức chiếu những phim tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ, từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều chi đoàn tiên tiến, vững mạnh. Năm học 2008 - 2009, đoàn trường đã xây dựng "Tủ sách Hồ Chí Minh"; nhiều đoàn viên, thanh niên viết nhật ký "Tuổi trẻ Yên Khánh học tập và làm theo lời Bác", ghi lại những việc làm thiết thực hằng ngày như giúp đỡ gia đình neo đơn, người già; những suy nghĩ, nhận thức về một việc làm tốt hoặc phê phán hành vi xấu trong sinh hoạt của tuổi trẻ. Ba mươi hai cuốn nhật ký của 32 chi đoàn học sinh Trường Yên Khánh B là hàng trăm, hàng nghìn việc tốt được viết lên mỗi năm từ những tâm hồn trong sáng của tuổi trẻ nhà trường.
Giám đốc trẻ Ðỗ Thành Tâm (Công ty TNHH Trường Phát, xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh) kể lại: Một lần đi công tác qua địa phận xã Khánh Tiên, gặp một bà già vẫy xe xin đi nhờ. Thành Tâm dừng xe và đỡ bà lên đưa về tận nhà mới biết, hôm đó bà đi bộ gần hai cây số từ nhà ra chợ để bán mấy mớ rau muống. Thấy cảnh nhà nghèo của mẹ Lương, Thành Tâm nhiều lần ghé thăm và tặng quà; rồi xin phép được dựng lại ngôi nhà cho mẹ. Sau gần bốn tháng, ngôi nhà mới của mẹ Lương đã được khánh thành trước sự vui mừng của bà con trong xã. Từ khi thành lập (năm 2000) đến nay, Công ty TNHH Trường Phát thường xuyên có hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" làm đường vào thôn, giúp đỡ trẻ khuyết tật hoặc góp quỹ ủng hộ các hộ gia đình nghèo; mở lớp đào tạo tin học cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Giám đốc trẻ Thành Tâm cho biết, tới đây công ty sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất gạch tuy-nen để thu hút gần 200 lao động ở xã vào làm việc, có thu nhập ổn định.
Nhìn thấy tôi vừa vào cơ quan Tỉnh đoàn, chàng trai trẻ là nhân viên bảo vệ, nhanh nhảu: - Chú ơi, anh Tuất đi Kim Sơn rồi. Vậy là Mai Văn Tuất, Bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình đã xuống huyện Kim Sơn để kiểm tra kết quả giúp ba xã bãi ngang, rất nghèo của huyện vùng biển. Ðây là ba xã đặc biệt khó khăn bởi phải sản xuất, canh tác trên vùng cát ven biển, mưa là úng, nắng là hạn và nóng, khiến năng suất cây trồng luôn thua kém nhiều huyện khác trong tỉnh. Một số gia đình nông dân bãi ngang Kim Sơn tổ chức nuôi trồng thủy sản, cũng tôm sú, cua xanh như nhiều vùng ven biển khác, song kỹ thuật nuôi quảng canh chịu ảnh hưởng hoàn toàn vào thời tiết, hễ nắng thì được mùa còn mưa nhiều thì coi như bỏ.
Gặp nhau lần trước, Mai Văn Tuất cho biết, khâu đột phá trước hết là nâng cao nhận thức về năng lực phát triển kinh tế cho cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo, bằng cách chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng cây trên đất cát ven biển, chống xâm nhập mặn, kỹ thuật chọn giống tôm sú sao không bị dịch bệnh; hỗ trợ 100 triệu đồng giúp 70 hộ nghèo học nghề sản xuất cói, tạo việc làm và thu nhập ổn định; giúp kinh phí cho 30 đoàn viên thanh niên đi học nghề may công nghiệp rồi sau đó phối hợp với doanh nghiệp để tiếp nhận lao động vào làm việc. Tỉnh đoàn cũng được giao làm chủ dự án "Làng thanh niên nuôi trồng thủy sản xã Kim Ðông", với nguồn vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Xã nghèo Kim Trung có 11 hộ nghèo được trợ giúp tiền nuôi bò sinh sản luân chuyển; khoan giếng nước tặng hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng; 17 km đường liên xã được bê-tông hóa. Riêng xã Kim Hải được vay vốn giúp phát triển sản xuất cho các hộ nghèo; xây dựng trường học hai tầng, với nguồn vốn gần ba tỷ đồng; xây mới chín ngôi nhà cho các hộ nghèo; làm mới hơn 230 giếng khoan nước sạch.
Nắng tháng Năm tỏa khắp các vùng quê Ninh Bình. Chúng tôi như bị cuốn hút bởi khí thế thi đua của tuổi trẻ, mà lời bài hát tự sáng tác của một cán bộ Ðoàn: "Dù lên rừng hay xuống biển, vượt bão giông, vượt gian khó, kề vai vững vàng chân bước, bạn ơi".
Ðỗ Tấn