Mỗi đội thi mang đến một sáng kiến giúp môi trường sống ngày càng trong lành hơn.
Chiếm ngôi vị cao nhất trong cuộc thi năm nay là dự án “Sản xuất gạch từ rác thải nhựa”. Trưởng nhóm Lê Trần Phú cho biết: Ý tưởng sản xuất loại gạch độc đáo này xuất hiện khi em cùng bạn bè bàn nhau tìm giải pháp hạn chế tình trạng ô nhiễm rác thải trầm trọng hiện nay.
Theo đó, với sản phẩm gạch lát nền mà nhóm vừa hoàn thiện, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm đến 20% cho nên giảm được 50% trọng lượng so với gạch truyền thống; cùng với đó là các chất liệu làm gạch thường thấy, pha thêm vật liệu chống cháy để bảo đảm tính an toàn. Thời gian tới, bên cạnh quá trình cải tiến thành phần, nâng cấp tính năng cho dòng sản phẩm hiện có, nhóm sẽ nghiên cứu để bổ sung thêm dòng sản phẩm mới là gạch xây tường làm từ rác thải nhựa.
Lê Trần Phú chia sẻ: Cái khó nhất trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp là làm sao tạo ra được sản phẩm thiết thực, mang tính ứng dụng cao. Tiếp đó, phải tìm được người đồng hành biết phân chia công việc để sản phẩm của sinh viên vẫn bám sát nhu cầu thực tiễn, tránh sự lãng phí.
Vì chủ yếu là tay ngang, với dự án lần này, trong khoảng một năm tự mày mò, nghiên cứu, nhóm mất hơn sáu tháng thử nghiệm để đưa ra được công thức làm gạch như hiện tại. “Thật sự rất khó vì nếu không tính toán kỹ, sản phẩm khi hoàn thiện sẽ không đáp ứng tốt các yêu cầu của công trình. Dù là lót nền vẫn phải bền chắc, an toàn, đạt tiêu chí thẩm mỹ.
Việc cần làm tiếp theo của nhóm là thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng dòng vật liệu thân thiện này với mức giá cao hơn gạch truyền thống từ 15-20%. Tụi em tham gia cuộc thi vì muốn nhận thêm lời khuyên, sự hỗ trợ, kết nối nhằm có thể đưa sản phẩm ra thị trường vào năm 2025, sau khi hoàn tất việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ”, Phú cho biết thêm.
Điều khiến Ban giám khảo lẫn người theo dõi cuộc thi vô cùng thích thú chính là dự án “OCM-Thiết bị xử lý rác hữu cơ ngay tại nguồn” của nhóm sinh viên đến từ Trường đại học Công thương và Trường cao đẳng Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay từ vòng bán kết của cuộc thi, dự án này đã nhận được gói đầu tư từ một doanh nghiệp với số tiền lên đến một tỷ đồng. Một thành viên trong nhóm cho biết: Hiện tại, toàn bộ bản vẽ, ý tưởng phát triển sản phẩm đã hoàn thiện, chỉ chờ khâu giải ngân và bổ sung thêm nguồn vốn vay khoảng 600 triệu đồng là có thể triển khai rộng rãi ra thị trường. Nhóm đặt mục tiêu sẽ có sản phẩm thực tế vào đầu năm 2025, trước khi nghị định bắt buộc mọi người dân phân loại rác tại nguồn trước khi đưa cho các bên thu gom chính thức có hiệu lực. Thiết bị xử lý rác hữu cơ này gồm ba tầng, khả năng chứa gần 40 ký rác thải và xử lý khép kín với sự hỗ trợ của loại vi sinh do nhóm tạo ra.
Chỉ sau từ ba đến năm ngày, người dùng máy có thể thu được loại phân bón hữu cơ giữ hơn 80% dưỡng chất trong nguồn rác đầu vào, giúp việc trồng trọt, chăm cây trở nên dễ dàng, tiết kiệm hơn. Hiện nay, các dòng máy xử lý rác hữu cơ trên thị trường có mức giá dao động từ hơn 20 triệu đến gần 50 triệu đồng. Trong khi đó, nhóm sinh viên lại đưa ra mức giá của sản phẩm sáng tạo này khá khiêm tốn, chỉ từ 6-7 triệu đồng để bất cứ gia đình nào cũng dễ dàng tiếp cận.
Huỳnh Nhật Kiên, Trưởng nhóm “OCM-Thiết bị xử lý rác hữu cơ ngay tại nguồn” cho biết: Thị trường mà sản phẩm này hướng đến trong giai đoạn đầu là ba thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh để tạo độ lan tỏa mạnh mẽ. Về sau, nhóm sẽ tiếp tục tăng độ phủ sóng để phổ cập sản phẩm trong từng gian bếp.
“Hiện nay, gần 70% lượng rác thải ra môi trường là rác hữu cơ. Do đó, việc thu gom, xử lý và biến rác thải hữu cơ thành tài nguyên hữu ích sẽ góp phần giải quyết cơ bản vấn đề rác thải, tạo cho người dùng lối sống lành mạnh, tiết kiệm nhiều nguồn tài nguyên. Tính hiệu quả cộng với giá thành hợp lý sẽ là điểm cộng giúp sản phẩm gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường”, Kiên phân tích.
Cuộc thi “Sinh viên Công thương với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2024 do Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng Tư vấn-Hỗ trợ khởi nghiệp phía nam, Làng Học sinh-Sinh viên sáng tạo, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức. Trải qua 5 tháng phát động, cuộc thi nhận được 123 dự án đăng ký với hơn 500 sinh viên và giảng viên hướng dẫn đến từ 27 trường cao đẳng, đại học tại khu vực phía nam.
Qua hai vòng loại, 11 dự án xuất sắc được chọn vào vòng chung kết để tiếp tục tranh tài thông qua hình thức trưng bày gian hàng, thuyết trình và phản biện. Ban giám khảo là các chuyên gia khởi nghiệp, đại diện doanh nghiệp đã góp ý thẳng thắn, gợi mở những yếu tố cần hoàn thiện để các dự án có thể phát triển hơn nữa. Đáng chú ý, sự quan tâm từ các doanh nhân và công ty đã tạo cơ hội cho nhiều dự án được “tiếp sức” và đầu tư, mở ra hướng đi mới cho việc thương mại hóa.
Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn-Hỗ trợ khởi nghiệp phía nam, Trưởng ban Giám khảo đánh giá cao sự sáng tạo và đa dạng thể loại của các đề tài tham gia cuộc thi năm nay. Các dự án vào vòng chung kết không chỉ bảo đảm tính khoa học mà còn thiết thực, góp phần giải quyết những vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện hành. Năm nay, cuộc thi thu hút khá nhiều dự án hay về bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ cao phù hợp với xu thế hiện đại.