Chiều 6/3, tại TP Đà Nẵng, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là Hội nghị đầu tiên của nhiệm kỳ 2021-2026 của khu vực cũng như trên toàn quốc, với sự tham dự và trực tiếp chỉ đạo của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.
Khẳng định vai trò của HĐND đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, hội nghị này là cơ hội để HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung-Tây Nguyên phản ảnh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động đến lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội; đồng thời cũng là cơ hội tăng cường sự hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về hoạt động giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương, nhất là trong các hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố
Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào ba nhóm nội dung gồm: Kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về các vấn đề giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp HĐND và Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Trong 2 năm qua, tuy tình hình thế giới, khu vực vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ; sự giám sát, đồng hành, chia sẻ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân, nước ta tiếp tục đạt được những thành quả đáng mừng.
Năm 2021 tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%, quy mô nền kinh tế khoảng 363 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 3.680 USD, thu ngân sách nhà nước hơn 1,523 triệu tỷ đồng (tăng 13,4% so với dự toán), kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD (tăng 22,6% so năm 2020), xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52%...
Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên. Năm 2021, thu ngân sách của 12 tỉnh, thành phố khu vực này đạt khoảng 143.138 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,3% của cả nước, trong đó thu nội địa 115.634 tỷ đồng. Tăng trưởng trung bình của 12 tỉnh là 4,25%, cao hơn bình quân chung của cả nước (2,58%). Thu nhập bình quân đầu người đều thấp hơn so bình quân cả nước là 3.680 USD, trừ Đà Nẵng 3.753 USD. Thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu, năng suất lao động, xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo cũng có những kết quả đáng ghi nhận như tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên...
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, đề xuất của các địa phương tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế cần quan tâm, khắc phục như: tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm...
Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, các địa phương cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND các địa phương và mỗi vị đại biểu Hội đồng nhân dân cần tiếp tục phát huy tinh thần “chủ động, sáng tạo và linh hoạt” trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; theo dõi những đổi mới của Quốc hội để có thể vận dụng, đồng hành phù hợp với mỗi địa phương. HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, trong đó lưu ý việc tổ chức kỳ họp của Hội đồng nhân dân, công tác chuẩn bị nội dung phải chủ động từ sớm, từ xa, tránh “bị động, lúng túng”; nội dung phải sát với thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân địa phương. Đặc biệt chú trọng bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu để triển khai hoạt động có hiệu quả.
Đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các địa phương trong khu vực tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, tăng cường hơn nữa sự liên kết phát triển vùng, hợp tác giữa các địa phương, nhất là liên kết về xây dựng hệ thống trung tâm logistic; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới... Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu cần sớm cụ thể hóa, huy động tổng thể các nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.