Cùng địa hình đồi núi cao, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt, các tỉnh miền núi phía bắc, như: Tuyên Quang, Ðiện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn luôn nằm trong nhóm tỉnh được cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống cao, nhất là vào mùa mưa bão. Thực tế những năm qua tại các tỉnh này đã xảy ra rất nhiều vụ sạt đất, lở núi gây thiệt hại lớn về tài sản và cả tính mạng nhân dân.
Những vụ sạt lở đất và hậu quả thương tâm
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Tuyên Quang, Ðiện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, trong khoảng 5 năm trở lại đây hầu như năm nào các địa phương này cũng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chết người.
Mới đây, vào lúc 2 giờ sáng 5/7/2023, mưa lớn kéo dài làm đất đá trên núi đổ ập xuống vùi lấp ngôi nhà của gia đình ông Lý Văn Thắng, trú tại thôn Ngàm Ðăng Vài 1, xã Ngàm Ðăng Vài, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Hậu quả, ông Thắng và vợ là bà Vàng Thị Thưởng chết tại chỗ; hai cháu nội của ông Thắng bị thương nặng. Trước đó (tháng 6/2018), tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa lũ, sạt lở đất trên diện rộng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Tại các xã Lùng Tám, Ðông Hà, Quản Bạ, Quyết Tiến đã có hơn 230 nhà ở bị sạt lở hoặc bị nước lũ cuốn trôi. Nghiêm trọng nhất là tại thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám, mưa lớn kéo dài làm đất đá từ vạt đồi phía trên ngôi làng tràn xuống cuốn trôi 15 ngôi nhà và tài sản của người dân trong thôn, khiến mẹ con chị Giàng Thị Mỷ, Lò Thị Lầu bị cuốn trôi…
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Tuyên Quang, Ðiện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, trong khoảng 5 năm trở lại đây hầu như năm nào các địa phương này cũng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chết người.
Ðánh giá nguyên nhân các vụ sạt lở gây chết người, thiệt hại nặng nề như đề cập trên chủ yếu do mưa lũ diễn biến khó lường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn các tỉnh cùng có chung ý kiến là do địa hình địa chất các tỉnh miền núi đã chịu nhiều tác động từ con người.
Nhiều dự án chậm tiến độ, không hiệu quả
Các tỉnh: Tuyên Quang, Ðiện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn đã chỉ đạo khảo sát, xây dựng các kế hoạch, dự án di chuyển dân khỏi vùng thiên tai, nhưng nhiều dự án lại chậm tiến độ, không hiệu quả.
Huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) đã đầu tư xây dựng năm khu tái định cư để bố trí nơi ở cho hàng trăm hộ dân thuộc diện nguy cơ sạt lở cao, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo. Tổng nguồn vốn đầu tư năm khu tái định cư này rất lớn, nhưng hầu hết đều hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả.
Thí dụ khu tái định cư Pù Pết, xã Bằng Vân (huyện Ngân Sơn) được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ năm 2008, song từ đó tới nay khu tái định cư này luôn vắng lặng: nhiều ngôi nhà xiêu vẹo không người ở, nhiều ngôi nhà cửa đóng then cài, cỏ dại kín lối đi. Nguyên nhân vì đất sản xuất ở đây cằn cỗi lại thiếu nước cho nên người dân không thể trồng cấy được cây gì trong khi các hộ này chỉ quen với ruộng vườn, nương rẫy. Cuộc sống quá khó khăn, 8/11 hộ bỏ về nơi ở cũ; ba hộ phải ở lại vì quê cũ cũng không còn đất sản xuất.
Tương tự, khu tái định cư Nà Cháo, xã Cốc Ðán (huyện Ngân Sơn) được đầu tư gần 23 tỷ đồng làm các hạng mục: đất ở, đất sản xuất, hệ thống điện, nước sinh hoạt và đường giao thông. Khi dự án hoàn thành có 26 hộ dân đến ở, mỗi hộ được cấp hơn 200 m2 đất ở, 3.000 m2 đất ruộng. Nhưng hiện nay chỉ còn 12 hộ sinh sống trong khu tái định cư, các hộ khác đã về nơi ở cũ đều cùng lý do là thiếu đất sản xuất; thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.
Với tỉnh Ðiện Biên, cơ quan chuyên môn đã rà soát hiện có 28 điểm, khu dân cư tại các huyện: Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Ðiện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà, Tủa Chùa nằm trong khu vực có nguy cơ thiên tai. Hai khu dân cư ở trung tâm hai xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông), Huổi Só (huyện Tủa Chùa) đã nhiều năm xuất hiện vết nứt địa chất lớn. Khu vực bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) liên tục xảy ra hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống.
Ông Quàng Văn Sơn, người dân bản Pa Xa Xá cho biết: Bắt đầu từ mùa mưa năm 2017, khu vực núi sau bản xảy ra hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống làm đổ cột nhà, khu chăn nuôi của nhiều gia đình. Từ đó đến nay, hơn 60 gia đình với gần 300 nhân khẩu đồng bào Khơ Mú ở bản luôn thấp thỏm lo đá lăn, núi lở mỗi khi mưa về.
Ở Tuyên Quang hiện còn bốn dự án thuộc nhóm di chuyển dân khẩn cấp đã triển khai nhiều năm nhưng đều chậm tiến độ. Ðó là: Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn; dự án Di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Khâu Tinh, Tát Kẻ, xã Khâu Tinh, huyện Na Hang; dự án khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang và dự án bố trí, sắp xếp di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và rừng phòng hộ đầu nguồn tại xóm Dùm, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang.
Trong đó, Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt từ năm 2016; thực hiện từ tháng 7/2020 với thời gian thi công là 660 ngày, nhằm ổn định đời sống cho 72 hộ dân (di chuyển đến điểm tái định cư 53 hộ, ổn định tại chỗ 19 hộ).
Nhưng các hạng mục thuộc dự án này đều bị thi công dở dang. Cụ thể hạng mục hạ tầng khu tái định cư: San nền đạt khoảng 20% khối lượng; đường giao thông nội bộ khoảng 50% khối lượng đang triển khai thi công; Xây kè đá chắn đất mái ta-luy đào, mái ta-luy đất khoảng 30% khối lượng đang thi công... Bởi vậy, một số hộ đã chuyển về tái định cư nhưng lại nơm nớp lo bởi ta-luy sau nhà nhiều chỗ cao tới 31 m với nhiều vết nứt sâu, khe kẽ rỉ nước nguy cơ sạt lở cao mà không được cắt tầng, kè đá bảo đảm an toàn.
Ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn cho biết: Người dân ở đây mong ngóng từng ngày được di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Những ngày có dự báo mưa to, bão lớn, chính quyền xã lại phải vận động bà con đi trú nhờ người thân nơi khác để bảo đảm an toàn.
Cần tháo gỡ những khó khăn
Theo thống kê của bốn tỉnh: Tuyên Quang, Ðiện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, trong năm 2023 và giai đoạn từ nay đến năm 2025 trên địa bàn bốn tỉnh có gần 8.000 hộ dân đang sinh sống tại vùng nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Trong đó, tỉnh Tuyên Quang có 130 hộ; tỉnh Bắc Kạn có khoảng 460 điểm dân cư với hơn 2.300 hộ; tỉnh Hà Giang có 4.880 hộ và Ðiện Biên có 620 hộ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, do nguồn kinh phí eo hẹp nên cố gắng lắm mỗi năm các tỉnh này cũng chỉ bố trí được vài chục hộ dân tái định cư ở nơi an toàn.
Song khó khăn chung nhất, chủ yếu nhất là vấn đề kinh phí. Bởi việc triển khai thực hiện bố trí sắp xếp ổn định dân cư trong giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo hai chương trình: Quyết định số 1719/QÐ-TTg ngày 14/10/2021 và Quyết định số 590/QÐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các đối tượng thực hiện bố trí sắp xếp ổn định dân cư thuộc chương trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1719/QÐ-TTg đã được giao kế hoạch kinh phí thực hiện từ đầu năm; còn những hộ gia đình nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm phát sinh sau mỗi đợt thiên tai (đối tượng theo Quyết định 590/QÐ-TTg) chưa được bố trí kinh phí hỗ trợ kịp thời.
Theo phương thức di dời xen ghép, ổn định tại chỗ thì các địa phương không phải điều chỉnh, bố trí đất ở, đất sản xuất mà do người dân tự thỏa thuận, trao đổi với anh em, hàng xóm dưới sự vận động, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương đã cho hiệu quả rõ rệt. Mặt khác, theo phương thức này, vấn đề đất sản xuất của người dân được bảo đảm, vì người dân vẫn có thể canh tác tại điểm cũ hoặc trao đổi cho anh em, hàng xóm để có đất sản xuất gần nơi ở mới hơn.
Ðồng chí Hoàng Hồng Trường, Chi cục trưởng Kinh tế hợp tác tỉnh Hà Giang
Ðồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên cho biết: Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều chỉ đạo ngành nông nghiệp, ủy ban nhân dân các huyện rà soát thực trạng, đánh giá nguy cơ thiên tai để cảnh báo, hỗ trợ người dân di dời. Nhưng với điều kiện tỉnh nghèo, nguồn vốn hạn hẹp, nên nhiều dự án di dời dân cư được xây dựng đã lâu vẫn không thể triển khai; hoặc triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ngoài khó khăn về vốn, hầu hết các tỉnh miền núi phía bắc đều gặp khó khăn về vấn đề bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân. Do điều kiện địa bàn chủ yếu là vùng núi cao, ven sông suối nên lựa chọn được mặt bằng phù hợp để tái định cư cho người dân là rất khó. Thực tế tại Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ðiện Biên đã có tình trạng người dân tái định cư trở về quê cũ vì thiếu nước sản xuất, sinh hoạt hoặc thiếu đất sản xuất…
Ðồng chí Hoàng Hồng Trường, Chi cục trưởng Kinh tế hợp tác tỉnh Hà Giang, cho biết: Theo phương thức di dời xen ghép, ổn định tại chỗ thì các địa phương không phải điều chỉnh, bố trí đất ở, đất sản xuất mà do người dân tự thỏa thuận, trao đổi với anh em, hàng xóm dưới sự vận động, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương đã cho hiệu quả rõ rệt. Mặt khác, theo phương thức này, vấn đề đất sản xuất của người dân được bảo đảm, vì người dân vẫn có thể canh tác tại điểm cũ hoặc trao đổi cho anh em, hàng xóm để có đất sản xuất gần nơi ở mới hơn.
Làm theo phương thức này, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hà Giang đã di dời được hơn 700 hộ đang sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao về nơi ở mới an toàn; bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 30 triệu đồng để di chuyển nhà cửa.