Nhiều đổi thay trên vùng đất cách mạng Bác Ái

NDO -

Ngày 30/8, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái (Ninh Thuận) tổ chức kỷ niệm 61 năm Ngày giải phóng Bác Ái (30/8/1960 - 30/8/2021). 61 năm đã trôi qua, nhưng, lịch sử oai hùng của các thế hệ cha anh luôn đong đầy trong tâm thức của đồng bào Raglai nơi đây.

Mô hình du lịch homestay kết hợp trải nghiệm văn hóa Raglai ở huyện Bác Ái thu hút nhiều du khách đến thưởng lãm.
Mô hình du lịch homestay kết hợp trải nghiệm văn hóa Raglai ở huyện Bác Ái thu hút nhiều du khách đến thưởng lãm.

Chủ tịch UBND huyện Bác Ái Hồ Xuân Ninh cho biết: “Dấu ấn lịch sử đó là khoảnh khắc của đêm 28 và rạng sáng ngày 29/8/1960, quân và dân huyện Bác Ái đã nổi dậy phá tan các đồn Tà Lú và đồn Ma Ty do quân địch xây dựng, vừa là căn cứ quân sự vừa là khu tập trung để quân địch dồn ép đồng bào vào sống, hòng để kiểm soát, kìm kẹp tinh thần yêu nước. Nhưng, quân địch đã thất bại trước ý chí của đồng bào Raglai một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ”…

Bác Ái có 8/9 xã, 10 tập thể và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn huyện có 345 liệt sĩ, 51 thương binh, 827 bệnh binh, 1.814 đối tượng hoạt động kháng chiến. Có 5/9 xã được công nhận “Xã An toàn khu”.

Bác Ái là huyện được giải phóng sớm nhất miền nam Việt Nam. Ngày 19/2/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg, công nhận huyện Bác Ái là vùng An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong thời kỳ đổi mới, đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc anh em huyện Bác Ái tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh, để lại nhiều dấu ấn đổi thay, khởi sắc rõ rệt của đất và người nơi đây.

Cách đây 5 năm trở về trước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao nhất tỉnh. Nhưng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái đã đạt được những kết quả nổi bật như: Tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng 15,8% (vượt 0,8% kế hoạch). Thu nhập bình quân đầu người đạt 17,2 triệu đồng, đạt 95,6% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 5%. (hiện còn hơn 28%, đạt kế hoạch). Hoạt động giáo dục phát triển khá toàn diện, tỷ lệ học sinh khá, giỏi và tốt nghiệp các cấp học hằng năm đều vượt so với các năm học trước; mạng lưới y tế từ huyện đến xã đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt nhiều kết quả tích cực.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện cơ bản được hoàn thiện. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch đúng hướng; huyện đã thực hiện các mô hình cánh đồng lớn trồng lúa ở xã Phước Chính; mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao ở xã Phước Bình,… đang đem lại thu nhập cao cho người dân.

Hệ thống giao thông đã được thông suốt, kết nối giữa các vùng miền thuận lợi; điện thắp sáng được bao phủ đến tận thôn, bản. Hệ thống trường, lớp được hoàn thiện theo hướng đạt chuẩn Quốc gia. Hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt cơ bản giải quyết được nhu cầu nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Nhiều công trình, dự án như: Tuyến đường Phước Đại - Phước Tân; Dự án phát triển cây dược liệu, cây ăn quả chất lượng cao Nitatech; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc công nghiệp cao Agritech; Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh (xã Phước Tiến)… đã khởi công xây dựng, mang lại diện mạo mới cho Bác Ái. Nhiều nhà đầu tư đã khảo sát, đầu tư các dự án điện năng lượng tái tạo, như: Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận (xã Phước Trung); Nhà máy Điện Mặt trời Bác Ái 3, 3A, 3B (xã Phước Thành); Nhà máy Điện Mặt trời Bác Ái 2 (xã Phước Tân)… hứa hẹn đưa Bác Ái sớm trù phú trong tương lai gần.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí tăng gần gấp 3,5 lần, đạt trung bình mỗi xã hơn 10 tiêu chí, không có xã dưới 5 tiêu chí (riêng xã Phước Đại đạt 14 tiêu chí). Nhận thức của nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên.

Công tác bảo tồn nét văn hóa vật thể độc đáo đến những giá trị văn hóa phi vật thể, như: những trường ca, truyện thần thoại, truyện cổ tích...; bảo tồn di tích lịch sử quốc gia “Bẫy đá Pi Năng Tắc” gắn với tên tuổi Anh hùng Lực lượng vũ trang Pi Năng Tắc; các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Đồn Tà Lú, Đồn Ma Ty; quần thể di tích Núi Tà Năng… là điều kiện để Bác Ái phát triển du lịch với nét độc đáo, đặc sắc riêng của huyện Anh hùng lực lượng vũ trang có nhiều di tích lịch sử. 

Với những kết quả đạt được, giai đoạn 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bác Ái vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Bác Ái phấn đấu thực hiện các mục tiêu cụ đưa công cuộc giảm nghèo đi vào thực chất, giảm nghèo nhanh và thật sự bền vững, giúp cho các hộ nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo bằng chính ý thức của mình bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước; từng bước về đích nông thôn mới và xây dựng trung tâm Phước Đại thành trị trấn, đô thị đặc trưng miền núi …

Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương cho biết: Các thế hệ người dân Bác Ái luôn tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, về tất cả những gì mà các thế hệ cha anh đã gây dựng nên bằng máu, mồ hôi, công sức và trí tuệ trên mảnh đất này để có ngày hôm nay.