Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp

NDO -

Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, Tây Nguyên đã vượt qua nhiều khó khăn của đại dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt để triển khai đồng bộ các quyết sách đúng đắn, kịp thời; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận hội nghị.

Sáng 7/3, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền trung, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự, chủ trì hội nghị. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh đồng chủ trì hội nghị.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền trung và Tây Nguyên đã vượt qua khó khăn, kịp thời, khẩn trương thực hiện nhiều nhiệm vụ với nhiều cố gắng, nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tiễn.

Tổ chức thành công các kỳ họp Hội đồng nhân dân để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh... kiện toàn công tác tổ chức của Hội đồng nhân dân, bảo đảm hoạt động được liên tục; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề; chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri (trực tuyến, trực tiếp; kết hợp trực tuyến, trực tiếp); tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm cũng như các vướng mắc, khó khăn trong hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, cần tổ chức bộ máy tinh gọn hơn; thủ tục hành chính cắt giảm; tăng tính chủ động trong điều hành chính quyền; tăng trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy dân chủ.

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, cần xây dựng chương trình giám sát có trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình thực tế tại địa phương; nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban tại Kỳ họp; tăng cường hoạt động giám sát thường xuyên; đồng thời cần suy nghĩ hình thức tiếp xúc cử tri mới để giám sát, tăng cường kiểm tra thực tế, hậu giám sát, tài giám sát, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hội đồng nhân dân trong việc theo dõi, giám sát, đôn đốc giải quyết đơn thư; kiểm soát công việc.

Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động Hội đồng nhân dân các cấp -0
 Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền trung năm 2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan một số vấn đề như: sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân; bổ sung quy định về chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của Đoàn giám sát; xây dựng cơ chế phối hợp giám sát, tăng tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, nỗ lực rất lớn của Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền trung, Tây nguyên đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức của dịch bệnh Covid-19, những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt… để hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong hoạt động HĐND cấp tỉnh cần phải sớm khắc phục như: tình trạng gửi tài liệu, báo cáo chậm, các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện, hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ họp còn một số hạn chế; còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế;...

Nhấn mạnh 5 nhóm nội dung cơ bản cần tập trung triển khai trong công tác Hội đồng nhân dân trong năm 2022, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: tiếp tục rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp, chất lượng hoạt động, công tác tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát chất vấn, trả lời chất vấn; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy, chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh, công tác đào tạo, luân chuyển, quy hoạch đại biểu HĐND.

Đồng chí yêu cầu phối hợp Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, tiến hành rà soát, xây dựng, trình cấp ủy cùng cấp thông qua chủ trương hoặc Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cả nhiệm kỳ để chủ động trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Đồng chí nhấn mạnh, cần kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Tổ chức giám sát đối với các hoạt động giám sát của 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất và tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng nhân dân.