Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dự Triển lãm Quốc tế Halal Malaysia lần thứ 13

NDO -

NDĐT - Ngày 30-3, nhằm đưa các sản phẩm Việt vào thị trường Hồi giáo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Triển lãm Halal Quốc tế lần thứ 13 (MIHAS 2016) khai mạc ngày 30-3, tại Trung tâm hội nghị Kuala Lumpur, thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dự Triển lãm Quốc tế Halal Malaysia lần thứ 13

Với chủ đề “Trải nghiệm các sản phẩm gắn nhãn Halal”, triển lãm năm nay tập trung vào các lĩnh vực phát triển các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao như: thực phẩm và đồ uống, sản phẩm hữu cơ và thảo dược, dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị vệ sinh, hóa chất thực phẩm, bao bì thực phẩm và máy móc thiết bị, những dịch vụ tài chính được chứng nhận Halal và Logistics.

Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia, Dato’ Sri Mustapa Mohamed cho biết Malaysia đã dành rất nhiều năm để phát triển và thu hút sự quan tâm của thế giới vào một thị trường mới nổi – thị trường halal. Ngày nay, halal đang trở thành một hiện tượng toàn cầu và cộng đồng quốc tế cũng nhìn nhận Malaysia là nước dẫn đầu trong ngành công nghiệp halal với nhiều sáng kiến tiên phong trong xây dựng, phát triển và thúc đẩy các sản phẩm halal ra thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Kinh doanh của Công ty CP Vĩnh Hoàn, một đơn vị chuyên về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu cá tra phi-lê đông lạnh, cho rằng Triển lãm Halal thực sự là một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh cũng như tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm tại thị trường các quốc gia Hồi giáo.

Nằm trong khuôn khổ của Tuần lễ Halal Thế giới 2016, MIHAS 2016 là sự kiện thường niên do Tổ chức Phát triển Ngoại thương Malaysia (MATRADE) thuộc Bộ Ngoại thương và Công nghiệp Malaysia tổ chức.

MIHAS là triển lãm thương mại có quy mô lớn được tổ chức lần đầu vào năm 2004 và nhanh chóng trở thành thị trường halal lớn nhất thế giới. Triển lãm năm nay quy tụ hơn 600 gian hàng tiêu chuẩn với sự tham gia hơn 540 doanh nghiệp đến từ 29 quốc gia và vũng lãnh thổ, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ Việt Nam. Triển lãm dự kiến thu hút hơn 25 nghìn lượt khách tham quan đến từ 67 quốc gia và vũng lãnh thổ.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên 2,2 tỷ người, chiếm 26,4% dân số toàn cầu. Bên cạnh đó, ngoài những người Hồi giáo yêu thích các sản phẩm halal, người không theo đạo Hồi cũng rất ưa chuộng các sản phẩm này, do đó thị trường halal đang ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến thị trường này.

Halal là 1 loại chứng chỉ xác nhận rằng một sản phẩm đạt yêu cầu về các thành phần và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của Kinh Qua'ran và luật Shariah. Malaysia đã giới thiệu quy chế ghi nhãn halal vào năm 1974 và trong năm 2002, Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia đã chuẩn hóa việc sử dụng các thực phẩm halal, MS1500:2000 (sửa đổi năm 2004, 2006) và nhiều tiêu chuẩn halal khác.

Theo Giám đốc điều hành Trần Xuân Giáp của Văn phòng Chứng nhận Halal tại Việt Nam, thực phẩm và các sản phẩm được xác nhận Halal có ý nghĩa đặc biệt cho kinh doanh tại thị trường các quốc gia Hồi giáo hoặc các nước có nhiều người theo đạo Hồi. Nó là hình thức chứng minh các nghĩa vụ xã hội và làm tăng sự tin tưởng của khách hàng.

Chứng nhận Halal là không bắt buộc để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước Hồi giáo, nhưng nó là lợi thế cạnh tranh so với các hàng hoá khác. Đối với người Hồi giáo, những sản phẩm mà họ mua để sử dụng cho con người (như đồ uống, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm..) đều phải được gắn nhãn Halal và họ luôn ưu tiên lựa chọn mua những sản phẩm có dấu Halal.