Nhiều điểm sáng trong đổi mới giáo dục

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
0:00 / 0:00
0:00
Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, Quận 10.
Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường tiểu học Triệu Thị Trinh, Quận 10.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, các cấp ủy và cả hệ thống chính trị thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 bằng nhiều giải pháp cụ thể, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trong 10 năm qua, Quận ủy Quận 7 đã lãnh đạo hệ thống chính trị quận quan tâm chăm lo đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, góp phần chăm lo đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn quận. Quận ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành, hoàn thiện nhiều chương trình, kế hoạch, nhiều cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển giáo dục.

Đồng chí Trần Chí Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Quận 7 cho biết: Xuyên suốt qua 10 năm, quận xác định trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất trường học, đầu tư trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học hướng đến giáo dục toàn diện cho người học, đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên là giáo viên, học sinh.

Tổng ngân sách nhà nước phân bổ cho toàn ngành giáo dục về chi thường xuyên trong 10 năm (2013-2022) chiếm tỷ trọng 44% tổng chi ngân sách thường xuyên; chi đầu tư chiếm tỷ trọng 31% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, không tính các nguồn khác. Nền tảng này, làm tiền đề để Ủy ban nhân dân quận, ngành giáo dục quận cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Từ sự quan tâm của các cấp ủy, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã được các cơ sở, ngành giáo dục thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thành phố. Trong đó, việc chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa quan trọng giúp các trường đại học nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Giai đoạn 2021-2025, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn chủ đề “Mô hình tự chủ-Vươn tầm thế giới” làm định hướng trọng tâm trong việc triển khai hoạt động trong toàn hệ thống. Về quan hệ hợp tác quốc tế, đơn vị mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đối tác uy tín trên thế giới.

Chỉ tính riêng năm 2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị thành viên, trực thuộc đã ký kết văn bản hợp tác với 438 đối tác quốc tế, trong đó 245 đối tác tại 15 quốc gia châu Á, 130 đối tác tại 26 quốc gia châu Âu, 42 đối tác tại Bắc Mỹ và 21 đối tác tại Úc, New Zealand. Nhiều dự án quốc tế quan trọng đang được triển khai như dự án VUDP, dự án PHER, dự án SAHED. “Mục tiêu tham gia các dự án nhằm thu hút nguồn tài trợ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ để thực hiện các hoạt động về nâng cao năng lực, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường cơ sở vật chất.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh liên kết đào tạo với các đối tác quốc tế; trong đó, đang vận hành 80 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính chia sẻ.

Có thể nói, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, công tác giáo dục và đào tạo của thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhân viên được đẩy mạnh; chỉ tiêu phát triển đảng trở thành yêu cầu nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng tại các đơn vị trường học.

Công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên trẻ từ học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố luôn được cấp ủy chi bộ các trường chú trọng thực hiện. Hằng năm, chi bộ các trường trung học phổ thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện mở các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh là đoàn viên ưu tú. Thành phố duy trì chất lượng phổ cập giáo dục ở các bậc học.

Hằng năm tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99%; tuy nhiên, thành phố chưa đạt mục tiêu năm 2020 có 100% số trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo (năm 2020 đạt 84,2%, hiện đạt gần 90%). Thành phố duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Từ năm 2021, 312/312 phường, xã, thị trấn của thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Giai đoạn 2013-2023, tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên tổng chi ngân sách thành phố hằng năm đạt tỷ lệ từ 20-31%, bình quân đạt khoảng 24%. Cùng với đó, thành phố ban hành nhiều chính sách thu hút các tổ chức xã hội, cá nhân đầu tư cho giáo dục như miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay thương mại, ưu đãi trong huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, các cấp, các ngành thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông, quán triệt sâu rộng để các tầng lớp nhân dân, các tổ chức ngoài hệ thống, các tổ chức có liên quan tiếp tục quan tâm cùng với hệ thống chính trị thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xứng tầm với thành phố văn minh, hiện đại.

Ngành giáo dục thành phố cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất lãnh đạo thành phố các cơ chế chính sách để bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, nhằm thu hút được người giỏi, người tài, có tâm huyết với nghề sư phạm; bồi dưỡng nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức của nhà giáo. Các đơn vị tiếp tục xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để đầu tư và chuẩn hóa việc giáo dục đạo đức, văn hóa trong trường học.