Cuối tháng 11/2022, Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã khảo sát, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đối với ba xã Sơn Ðà, Tản Hồng và Vạn Thắng, huyện Ba Vì. Kết quả, xã Sơn Ðà đạt 95,8 điểm, xã Tản Hồng đạt 96,6 điểm và xã Vạn Thắng đạt 96,48 điểm, đủ điều kiện để trình Hội đồng thẩm định thành phố xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022. Theo đánh giá của đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, kết quả xây dựng nông thôn mới của ba xã rất tích cực, nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đáp ứng tiêu chí đề ra. Cùng với đó việc triển khai hiệu quả cuộc thi "Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn" do Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì phát động, được người dân đồng tình ủng hộ đã góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Công tác vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên. Cây xanh, đường hoa, tuyến đường bích họa được người dân chung tay đóng góp xây dựng, tạo ra khung cảnh làng quê xanh, sạch và đẹp.
Ðầu tháng 12/2022, Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đối với xã An Khánh và Sơn Ðồng; xã nông thôn mới kiểu mẫu đối với xã Yên Sở, huyện Hoài Ðức. Ðối với hai xã nông thôn mới nâng cao. Ðoàn thẩm định đánh giá, An Khánh và Sơn Ðồng có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang trong quá trình đầu tư phát triển từ xã lên phường cho nên hệ thống hạ tầng rất khang trang. Thương mại dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh. Thu nhập của người dân cao, đủ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ðối với xã Yên Sở, địa phương dẫn đầu của huyện Hoài Ðức và thành phố Hà Nội ngay từ những năm đầu thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Không những thế, xã Yên Sở còn có nhiều thuận lợi hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới thông minh.
Ðại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên thành phố thực hiện đánh giá, chấm điểm các xã nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới của Trung ương giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, thành phố đưa ra nhiều tiêu chí cao hơn bộ tiêu chí chung. Ðiển hình như, bộ tiêu chí quốc gia quy định đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được cứng hóa, còn Hà Nội yêu cầu đường thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa. Hay, đối với tiêu chí trường học, bộ tiêu chí quốc gia quy định, tỷ lệ trường học các cấp đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và có ít nhất một trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2, nhưng Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ trường học các cấp trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó có một trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Theo Phó Chánh văn phòng Ðiều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí, mặc dù các tiêu chí đánh giá, chấm điểm các xã nông thôn mới của thành phố đưa ra cao hơn bộ tiêu chí chung của cả nước, nhưng đến nay các xã đạt chuẩn đều vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, đến nay, thành phố có 382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%; 48 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, có 25 xã đăng ký xã nông thôn mới nâng cao, đến hết quý III, đã có 13 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, bảy xã đạt và cơ bản đạt từ 17 đến 18 tiêu chí, bốn xã đạt và cơ bản đạt từ 13 đến 16 tiêu chí, một xã đạt và cơ bản đạt chín tiêu chí. Ðối với xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong số 15 xã đăng ký, đến hết quý III, cả 15 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thu nhập; bốn xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về mô hình nông thôn mới thông minh. Ông Nguyễn Văn Chí khẳng định, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực chung sức của người dân đã tạo ra động lực, nguồn lực mới trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội năm 2022 dự kiến sẽ hoàn thành vượt mục tiêu đề ra ■