Tuy nhiên, đến nay chỉ có năm quận triển khai cấp phép và tổ chức thu phí, do đó Sở Giao thông vận tải thành phố đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện khẩn trương triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn quản lý theo các quy định đã ban hành; thiết lập trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, tạo sự đồng thuận của nhân dân.
Chỉ ba quận, huyện ban hành danh mục
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 900 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức thu phí vỉa hè.
Cũng theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải, vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần (có thu phí) phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ. Còn với lòng đường, sau khi chừa lại ít nhất hai làn ô-tô cho một chiều đi, phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Một trong những địa phương đi đầu thực hiện thu phí sử dụng tạm vỉa hè là Ủy ban nhân dân Quận 1. Quận 1 có 52 tuyến đường kinh doanh đủ điều kiện thu phí; tuy nhiên, chính quyền quận trước mắt thí điểm thu phí vỉa hè làm bãi giữ xe, kinh doanh có thu phí 11 tuyến đường với mức thu từ 50.000-350.000 đồng mỗi m2/tháng.
Quận cũng sử dụng phần mềm “Tra cứu chức năng hè phố Quận 1” thu phí vỉa hè nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hè phố theo hướng thông minh, công khai, hiện đại.
Theo Phòng Quản lý đô thị Quận 1, sau gần hai tháng thí điểm thu phí vỉa hè đã có 300 trường hợp đăng ký qua phần mềm, với số tiền khoảng một tỷ đồng. Để thuận tiện cho hộ kinh doanh, quận tổ chức thu phí hằng quý, nhằm tạo tiện lợi cho người đóng phí, khỏi mất thời gian đăng ký nhiều lần.
“Thời gian tới, trên cơ sở triển khai thí điểm, Phòng Quản lý đô thị Quận 1 sẽ tổ chức đánh giá kết quả và hoàn thiện các chức năng của phần mềm theo các ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân và cán bộ, công chức nhằm ứng dụng, nhân rộng mô hình này đối với các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức kinh doanh, dịch vụ mua, bán hàng hóa trên địa bàn Quận 1”, ông Nguyễn Vũ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1 cho hay.
Cùng với Quận 1, theo Sở Giao thông vận tải thành phố, đến tháng 7 chỉ có Quận 5, huyện Cần Giờ ban hành danh mục thu phí vỉa hè để công khai đến người dân, các đối tượng sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh và các mục đích khác theo quy định.
Các quận: 1, 3, 4, 10 và 12 có tổ chức thu phí nhưng phần lớn là thu cho mục đích sử dụng vỉa hè “để vật liệu xây dựng phục vụ thi công công trình hộ gia đình” (ngoài mục đích kinh doanh) theo quy định của Quyết định số 32.
Trong danh mục gửi Sở Giao thông vận tải thành phố, Quận 10 có 28 tuyến đường với bề rộng vỉa hè từ 3m trở lên, bảo đảm điều kiện sử dụng tạm có thu phí; Quận 12 có 15 tuyến đường; Quận 5 có 66 tuyến đường kinh doanh, buôn bán có thu phí...
Nhiều quận, huyện chưa chốt danh mục tuyến đường thu phí
Theo Phòng Quản lý đô thị Quận 4, quận đã đề xuất danh mục các tuyến đường đủ điều kiện thu phí lên Sở Giao thông vận tải xem xét và đã được sở chấp thuận.
Trong đó, quận có bốn tuyến đường đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa có thu phí vỉa hè gồm: Bến Vân Đồn, Lê Văn Linh, Hoàng Diệu, đường 41. Phòng Quản lý đô thị quận cho hay, theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải, vỉa hè phải từ 3m trở lên mới đủ điều kiện thu phí nên quận có bốn tuyến đường đủ điều kiện này.
Để bảo đảm tính thống nhất và theo ghi nhận tình hình thực tế, Quận 4 đã thành lập Tổ công tác thực hiện khảo sát danh sách vị trí, phạm vi diện tích sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè; trên cơ sở đó, tổ này tham mưu Ủy ban nhân dân quận ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện thu phí trước khi công bố công khai đến người dân.
Còn theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh, quận đang chờ Sở Giao thông vận tải thông qua danh mục đủ điều kiện tổ chức thu phí vỉa hè. Theo đó, quận này đề xuất thí điểm tổ chức 12 tuyến đường kinh doanh, mua bán có thu phí (hè phố rộng từ 4,5m trở lên).
Ngoài ra, quận đang tiếp tục rà soát các vị trí đủ điều kiện thu phí để đề xuất Sở giao thông vận tải có ý kiến bổ sung trong tháng 7. Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh kiến nghị sở này khẩn trương ban hành quyết định giao cho quận quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ cho Ủy ban nhân dân quận quản lý, nhằm giúp địa phương trong công tác tổ chức thu phí đúng quy định pháp luật…
Đánh giá kết quả thực hiện thu phí vỉa hè, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết: Thành phố có 18/22 quận, huyện đề xuất danh mục sử dụng thu phí vỉa hè nhưng một số tuyến đường đề xuất chưa phù hợp quy định tại Quyết định số 32 của Ủy ban nhân dân thành phố và Văn bản số 15858 của Sở Giao thông vận tải; 19 quận, huyện chậm trễ ban hành, chưa thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.
Do đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương ban hành danh mục các tuyến đường có hè phố cho phép để xe hai bánh không thu tiền dịch vụ.
Đồng thời tiến hành rà soát, lựa chọn một số tuyến đường có lòng đường, hè phố đủ điều kiện sử dụng ngoài mục đích giao thông khác (kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa, trông giữ xe,...) để triển khai thực hiện có lộ trình, công bố rộng rãi phạm vi, thời gian sử dụng tạm thời; tổ chức việc cấp phép, thông qua phương án và thu phí theo quy định.
Sở này cũng lưu ý các địa phương, theo các quy định nêu trên, lòng đường, hè phố có chức năng chính là phục vụ giao thông (lòng đường phục vụ các phương tiện giao thông; hè phố để phục vụ người đi bộ, bố trí hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, lắp đặt các công trình thiết yếu theo quy định).
Ngoài chức năng nêu trên, lòng đường, hè phố chỉ được sử dụng tạm thời một phần ngoài mục đích giao thông (như kinh doanh, mua, bán hàng hóa, để xe, trông giữ xe,... theo quy định tại Quyết định số 32) khi được cơ quan chức năng cấp phép, chấp thuận thông qua phương án sử dụng và nộp phí sử dụng theo quy định.