Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn phối hợp với đài canh cộng đồng kết nối và duy trì liên lạc với các tàu cá đang hoạt động trên biển để thông báo diễn biến áp thấp nhiệt đới cho ngư dân biết. Đồng thời, kêu gọi ngư dân đưa tàu thuyền vào bờ hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tính đến trưa 23/9, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.392 phương tiện với 34.063 ngư dân đã vào các bến bãi, âu tàu neo đậu. Các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh triển khai lực lượng hỗ trợ ngư dân neo buộc tàu thuyền bảo đảm an toàn, chống va đập khi có mưa to, gió lớn gây hư hỏng.
Cùng với việc kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú tránh áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại từ 11 giờ ngày 23/9 cho đến khi có thông tin thời tiết ổn định của cơ quan khí tượng thủy văn.
Đối với các tàu, thuyền vào bờ tránh trú áp thấp nhiệt đới, bão, phải neo đậu an toàn và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của địa phương nơi tránh trú.
Tổ chức các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các khu neo đậu. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.
Các huyện, thị xã, thành phố ven biển, nhất là các xã ven biển thuộc huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi thông báo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chủ động chằng chống, gia cố nhà ở, trụ sở, nhà xưởng để đảm bảo an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa từ bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn và phần mềm đo mưa tự động đã được cung cấp để thông tin, thông báo kịp thời đến người dân trong khu vực nhằm chủ động các biện pháp ứng phó.
Tổ chức kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét để có biện pháp di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn theo phương án đã được phê duyệt.
Quảng Trị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi
Đến chiều 23/9, tỉnh Quảng Trị có 2.296 tàu thuyền vào bờ trú bão số 6. Trong ngày, nhiều địa phương trong tỉnh có mưa vừa đến mưa to.
Ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết, đến chiều 23/9, toàn tỉnh có 2.296/2.312 tàu thuyền với 7.042 thuyền viên nhận được thông tin về bão số 6 và đã vào nơi neo đậu an toàn tại các khu neo đậu tàu thuyền của tỉnh. Còn 16 tàu thuyền với 121 thuyền viên đang tìm cách vào bờ trú bão.
Tỉnh cũng đã kêu gọi 18 tàu thuyền với 125 thuyền viên ngoại tỉnh vào neo đậu tránh, trú bão tại các khu neo đậu trên địa bàn tỉnh an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành công điện nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 15 giờ ngày 23/9, chỉ ra khơi khi thời tiết bình thường trở lại.
Công điện cũng đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan triển khai các biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai cũng như bão số 6 trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt bảo đảm phòng, chống dịch và an toàn cho các điểm sơ tán, khu cách ly, nhất là tại địa bàn TP Đông Hà, nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương, đơn vị duy trì thông tin liên lạc với các chủ các phương tiện, tàu thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu bất ngờ xảy ra. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn về người và tài sản cho nhân dân. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống cần kíp.
Các huyện miền núi triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát những nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực nguy cơ sạt lở bãi thải tại các công trình điện gió đang thi công để chủ động phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Đà Nẵng khẩn trương triển khai phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 22 đến chiều tối 23/9, tại Đà Nẵng liên tục có mưa to đến rất to. Nhằm chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có Công điện khẩn gửi các địa phương, đơn vị, cơ quan, yêu cầu triển khai ngay các phương án phòng tránh mưa bão.
Theo đó, các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện tập trung triển khai thực hiện và xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch UBND thành phố và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố...
Đến 12 giờ ngày 23/9, Đà Nẵng đã kêu gọi được 1.227 tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Đà Nẵng về bờ, neo đậu an toàn, trong đó có 203 tàu thuyền của các địa phương khác tỉnh bạn. Hiện, vẫn còn 15 phương tiện với 112 ngư dân đang hoạt động trên biển, trong đó có 6 phương tiện với 49 lao động nằm trong vùng nguy hiểm, đã được thông báo vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, khẩn trương vào bờ tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại Âu thuyền tránh bão Thọ Quang, hàng nghìn tàu cá đã được hướng dẫn, hỗ trợ neo đậu an toàn, tổ chức xét nghiệm cho tất cả ngư dân trên tàu để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch. Các tàu kinh doanh xăng dầu được di chuyển ra khỏi Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.
Tổ chức chốt chặn ở những vị trí nguy hiểm, ngập sâu trên các tuyến giao thông, cầu, đường quan trọng để bảo đảm an toàn giao thông; tổ chức gia cố an toàn với bão tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ ra vào chính của thành phố; tổ chức sắp xếp các phương tiện giao thông đang đậu đỗ trên các tuyến quốc lộ bảo đảm an toàn.
Đà Nẵng cũng lên phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ việc sơ tán, cứu nạn, cứu tài sản khi bão đổ bộ, hoặc mưa lớn gây ngập sâu, sạt lở, lũ quét... nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm như: Đập An Trạch, Hà Thanh, các hồ chứa thủy lợi, khu vực trũng thấp ven sông Cu Đê, Túy Loan, các khu dân cư ven chân núi, quanh bán đảo Sơn Trà, Nam Hải Vân, Bà Nà - Núi Chúa...
Trong chiều 23/9, Sở Y tế Đà Nẵng cũng đã lên phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hóa chất cần thiết để xử lý môi trường, phòng ngừa dịch sau bão lũ; tổ chức xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tất cả thuyền viên tàu cá vào tránh trú bão trên địa bàn thành phố; bảo đảm phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán, khu phong tỏa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các chốt ra vào thành phố... để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp nghi ngờ dương tính, không để dịch phát sinh, lây lan khi triển khai phòng, chống thiên tai.
Thừa Thiên Huế kêu gọi hơn 2.000 phương tiện tàu, thuyền vào bờ trú ẩn
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến chiều 23/9, toàn tỉnh đã đã kêu gọi hơn 2.000 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt trên biển vào bờ trú ẩn an toàn, nhằm tránh áp thấp nhiệt đới và bão số 6 đang di chuyển trên biển Đông; đồng thời yêu cầu ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian bão lũ đang diễn biến phức tạp.
Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 6, chiều 23/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát công điện yêu cầu các địa phương tuyệt đối không cho tàu, thuyền ra khơi, bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá; tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu, thuyền vào tránh trú an toàn; hoàn thành công tác kêu gọi, neo đậu tàu, thuyền vào bến an toàn trong đầu chiều 23/9.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đặng Văn Hòa cho biết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai năm điểm bắn pháo hiệu, kêu gọi được 2.052 phương tiện tàu, thuyền với 11.181 lao động (trên tổng số 2.062 phương tiện) vào bờ trú ẩn an toàn. Hiện tại, vẫn còn 37 phương tiện với 169 lao động đang hoạt động trên biển và trên đường vào bờ. Số phương tiện này đang hoạt động ở khu vực phía Nam của Vịnh Bắc bộ và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng duy trì lực lượng 680 cán bộ, chiến sĩ cùng 18 phương tiện tàu, thuyền cứu hộ, cứu nạn ứng cứu khi có tình huống cần thiết. Chỉ đạo các Đồn biên phòng tuyến biển và Hải Đội 2 sẵn sàng lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức, hướng dẫn phương tiện, thực hiện công tác phòng, chống dịch giúp ngư dân khi vào khu neo đậu.
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, hiện có 48 phương tiện với 276 lao động là tàu, thuyền của các địa phương khác. Để đảm bảo an toàn cho những lao động này khi vào tránh trú và công tác phòng dịch theo quy định, sau khi neo trú, các lao động này được lực lượng y tế của Tổ kiểm soát phòng, chống dịch test nhanh Covid-19, khai báo y tế và đưa đi cách ly tập trung.