Đó là những nhận định được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại Hà Tĩnh được tổ chức sáng nay (26/7/2022)
Bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện nghị quyết như: nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ được nâng lên. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật mới có chuyển biến tích cực…, hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn. Đó là: lĩnh vực ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật vào đời sống sản xuất, hoạt động khoa học và công nghệ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của tỉnh… Các đại biểu tham gia đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn trong quá trình thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn như: tốc độ đổi mới công nghệ còn chậm, chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Tiềm lực khoa học, công nghệ cả về con người và cơ sở vật chất kỹ thuật được nâng lên, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu; còn thiếu các chuyên gia giỏi, đầu ngành, chưa có các sản phẩm công nghệ mũi nhọn có khả năng cạnh tranh cao.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ chưa tương xứng. Đầu tư cho khoa học và công nghệ chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển khoa học và công nghệ còn gặp khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, chưa trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Cùng với đó, việc tổ chức nhân rộng mô hình sau khi tiếp nhận kết quả nghiên cứu khả thi tại các địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đề tài, dự án khoa học, công nghệ chậm tiến độ, khả năng nhân rộng ứng dụng không cao.
Phong trào thi đua áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa trở thành hoạt động thường xuyên, chưa tạo động lực, sức lan tỏa sâu rộng.
Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. Quy định kiểm soát, chuyển giao công nghệ lạc hậu, thiếu đồng bộ, chặt chẽ, có nơi còn để xảy ra ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ còn thấp.
Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ chủ lực, thế mạnh của địa phương gặp nhiều khó khăn; một số sản phẩm công nghệ sinh học được nghiên cứu, tạo ra và đã chứng minh hiệu quả nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi...
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn trên, các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp quản lý để tháo gỡ các nút thắt, rào cản về luật pháp, chính sách, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tập trung phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học nông nghiệp, khoa học y-dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ; hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo địa phương, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài tỉnh là chủ thể nghiên cứu.
Ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội.