Tràn lan vi phạm công trình thủy lợi
Hệ thống công trình thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong tưới tiêu, phòng, chống hạn hán, úng ngập, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhiều công trình thủy lợi tại tỉnh Bắc Ninh bị xâm lấn nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Sông Ngũ Huyện Khê là một nhánh của sông Đuống, có chiều dài khoảng 33 km, tiêu thoát nước trong mùa mưa và lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô cho năm đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội. Hiện, con sông này không chỉ bị ô nhiễm nặng bởi nước thải từ hàng chục cơ sở sản xuất giấy đang hoạt động trên địa bàn huyện Tiên Du và TP Bắc Ninh mà còn bị xâm lấn, thu hẹp dòng chảy bởi hàng chục công trình trái phép từ xây dựng kiên cố đến dựng lều quán, nhà tạm, công trình phụ... Tại công trình thủy lợi trên bờ hữu kênh thuộc phường Tân Hồng (thị xã Từ Sơn) Công ty cổ phần Thương mại - Xây dựng và Dịch vụ Trọng Tín tự ý san gạt, hạ thấp bờ kênh, đổ đất cấp phối trên bờ kênh, đổ cả đất xuống lòng kênh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Xây dựng nhà cửa trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi làm nhà xưởng sản xuất, kinh doanh, trồng cây, làm cầu qua kênh, mương, xả nước thải ô nhiễm là những hành vi xâm hại phổ biến trên toàn hệ thống công trình thủy lợi của tỉnh Bắc Ninh. Đáng nói là đối tượng vi phạm không chỉ có người dân, doanh nghiệp tư nhân, mà còn cả chính quyền thôn, xã.
Quan sát tại bờ kênh Nam, Trạm bơm Trịnh Xá, thuộc địa bàn thôn Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), chúng tôi ghi nhận tình trạng đổ bê-tông trên mặt bờ kênh làm đường giao thông, dựng khung sắt làm 53 lều quán chạy dọc bờ kênh. Tìm hiểu, chúng tôi còn bất ngờ hơn khi được biết vi phạm này xuất phát từ chính chủ trương của lãnh đạo thôn Bất Lự. Đầu tháng 7-2019, ông Vũ Xuân Thường, Trưởng thôn Bất Lự (xã Hoàn Sơn) có đơn gửi Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống (Công ty Bắc Đuống), là đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đề nghị công ty cho phép địa phương dịch chuyển một số hộ kinh doanh ra phần giáp bờ kênh Nam, đoạn gần cầu đình Bất Lự, để buôn bán trong thời gian thi công đường giao thông nông thôn. Đồng thời, ông Thường cũng có đơn đề nghị cho Công ty TNHH Xây dựng Phú Khang (Công ty Phú Khang) thi công cầu tạm, hệ thống thoát nước mặt dọc bờ tả kênh Nam trong khi chờ cấp phép.
Trong văn bản trả lời ngày 23-7-2019, Công ty Bắc Đuống nêu rõ: Theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP, hoạt động xây dựng cầu tạm và làm đường tạm trên bờ kênh Nam phải được UBND tỉnh cấp giấy phép. Công ty Bắc Đuống không đồng ý với đề nghị cho đơn vị thi công tiến hành thi công sớm trong khi chờ cấp phép, cũng như việc dịch chuyển một số hộ kinh doanh buôn bán cá thể của thôn Bất Lự ra giáp bờ kênh Nam. Để hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện đúng theo quy định, Công ty Bắc Đuống đề nghị Công ty Phú Khang chỉ được thi công khi có giấy phép của UBND tỉnh Bắc Ninh. Về việc dịch chuyển một số hộ kinh doanh cá thể, đề nghị địa phương có giải pháp khác. Tuy nhiên, phớt lờ văn bản trả lời nêu trên, chính quyền thôn Bất Lự vẫn cho dựng 53 lều quán dọc bờ kênh Nam, còn Công ty Phú Khang vẫn tiến hành xẻ đục bờ kênh, đặt ống thoát nước chảy vào dòng kênh, đặt cầu thép bắc qua kênh, đổ bê-tông bờ tả kênh Nam.
Trước đó, vào năm 2018, UBND xã Phú Lâm, huyện Tiên Du cũng có những vi phạm tương tự trên công trình thủy lợi kênh tiêu Tam Tảo - Trịnh Xá. Cụ thể là khi triển khai dự án cải tạo, nâng cấp chợ Phú Lâm, UBND xã Phú Lâm đã tự ý kè đá hai bên bờ kênh tiêu Tam Tảo - Trịnh Xá, xây dựng các ki-ốt trên bờ tường kè, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. UBND huyện Tiên Du phải ra văn bản yêu cầu UBND xã Phú Lâm dừng ngay các hoạt động xây dựng trái phép nêu trên; đồng thời chỉ đạo tháo dỡ, giải tỏa các ki-ốt đã xây dựng trên bờ kênh.
Chỉ trong tháng 6-2019, Công ty Bắc Đuống đã phát hiện, lập biên bản 23 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi thuộc các địa phương: huyện Tiên Du, huyện Yên Phong, thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh. Còn theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bắc Ninh, tổng số vi phạm phát sinh năm 2019 trên toàn tỉnh là 204 vụ. Việc gia tăng các vụ vi phạm các công trình thủy lợi, hành lang sông, kênh dẫn nước tại tỉnh Bắc Ninh đã làm ảnh hưởng lớn đến an toàn và hiệu quả công trình thủy lợi, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và phòng, chống thiên tai.
Vi phạm nhiều, xử lý ít
Báo cáo của Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong số 204 vụ vi phạm phát sinh năm 2019, mới chỉ xử lý được 21 vụ, đạt 10,3%, hình thức xử lý chủ yếu là lập biên bản, yêu cầu trả lại nguyên trạng, có rất ít trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. Trả lời câu hỏi vì sao vi phạm nhiều, mà xử lý ít, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng cho biết: Khi xảy ra vi phạm công trình thủy lợi, cán bộ các xí nghiệp thủy lợi chỉ được quyền lập biên bản và báo cáo lên cấp trên là Chi cục Thủy lợi (Sở NN và PTNT) và chính quyền địa phương các cấp, còn việc xử lý hay không, xử lý với mức độ như thế nào hoàn toàn do chính quyền địa phương quyết định. “Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, công tác xử lý của chính quyền cấp xã, huyện còn chưa quyết liệt và kịp thời” - đồng chí Đặng Công Hưởng cho biết. Năm 2018, Sở NN và PTNT có văn bản đề nghị cơ quan công an tiến hành kiểm tra, xem xét trách nhiệm hình sự bốn trường hợp vi phạm nhiều lần, có tính chất nghiêm trọng, nhưng sau đó cả bốn trường hợp chỉ bị xử phạt hành chính do vướng mắc về quy định pháp luật.
Là đơn vị quản lý và khai thác 270 tuyến kênh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với tổng chiều dài hơn 774 km, lãnh đạo Công ty Bắc Đuống cho biết hầu như kênh nào cũng bị vi phạm. Riêng năm 2019, đơn vị này đã phát hiện, lập biên bản đề nghị chính quyền cơ sở xử lý 203 trường hợp, tuy nhiên chỉ có 20 trường hợp đã được xử lý. Có những trường hợp công ty đã lập biên bản tới ba, bốn lần nhưng chính quyền địa phương vẫn không xử lý. Như vụ việc tại kênh Nam, Trạm bơm Trịnh Xá, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiên Du đã phối hợp chính quyền địa phương lập biên bản yêu cầu các cá nhân vi phạm dừng mọi hoạt động và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, các cá nhân vi phạm không chấp hành, vẫn tiếp tục vi phạm. Công ty Bắc Đuống cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Tiên Du chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi đối với các trường hợp nêu trên, nhưng đến nay các cấp chính quyền và cơ quan chức năng vẫn chưa kiên quyết xử lý cho nên vi phạm vẫn tồn tại.
Thị xã Từ Sơn là một trong những địa phương có nhiều vi phạm còn tồn tại chưa xử lý. Đồng chí Nguyễn Đắc Huy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn lý giải rằng, do có những vi phạm đã kéo dài hàng chục năm, thậm chí có trường hợp được chính quyền thôn, hợp tác xã (trước đây) ký hợp đồng cho thuê đất cho nên rất khó xử lý.
Thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm đã gây ra tình trạng nhờn luật, thấy người này làm được thì người kia cũng làm theo, dẫn đến vi phạm tràn lan. Cho đến nay vẫn chưa có quy định nào về việc xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra vi phạm công trình thủy lợi trong thời gian dài hoặc không giải quyết dứt điểm. Việc xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi cũng mới chỉ ở mức nhắc nhở, kiểm điểm, cao nhất là phạt hành chính, chưa có vụ việc nào bị truy tố trước pháp luật cho nên chưa đủ sức răn đe.
Để công trình thủy lợi không bị xâm hại, bảo đảm cho công tác quản lý, vận hành, khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng công trình thủy lợi, hoặc vi phạm kéo dài nhiều năm không giải quyết. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng cho rằng, cần giao cơ quan điều tra xem xét một số vụ việc cố tình vi phạm để xử lý theo quy định, nhằm làm gương và cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp. Có thể phân cấp cho các công ty khai thác công trình thủy lợi được phép lập biên bản và xử phạt trong giới hạn những trường hợp vi phạm phổ biến để giảm quá tải cho chính quyền địa phương, đồng thời các công ty chủ động trong công tác quản lý, vận hành hiệu quả công trình thủy lợi. Số tiền xử phạt được nộp vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định. Sớm tiến hành việc cắm mốc chỉ giới xác định hành lang công trình thủy lợi để làm căn cứ quản lý, khai thác và bảo vệ. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân về trách nhiệm bảo vệ các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.