Sáng 30-05, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã làm việc với các cơ sở nước tương bị thanh tra phát hiện có hàm lượng chất 3-MCPD vượt quy định để giải quyết vấn đề thu hồi và tiêu hủy sản phẩm. 16 cơ sở và đại diện siêu thị phân phối Metro đã có mặt. Riêng cơ sở Song Mã không đến dự.
Bà Kim Cương, Phó Giám đốc công ty Nosafood biện minh: Từ quý 3 năm 2005, Nosafood đã áp dụng quy trình sản xuất mới, đưa ra thị trường sản phẩm nước tương không có 3-MCPD nhưng không tiêu thụ được, người tiêu dùng không chấp nhận do giá cao và không hợp khẩu vị. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt đại lý trả hàng về.
Bà Cương cho biết, Công ty đã cho nhân viên đi điều tra, thấy có rất nhiều loại nước tương trên thị trường vẫn được sử dụng theo phương pháp cũ không chuyển sang phương pháp mới. Theo bà Cương, ở đây có sự không thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước về sản xuất nước tương. Chỉ có thành phố yêu cầu cơ sở sản xuất nước tương theo phương pháp mới không có 3-MCPD, trong khi các tỉnh thì không biết gì về 3-MCPD nên người tiêu dùng vẫn mua bình thường. Do đó Nosafood đã trở lại sản xuất quy trình cũ.
Như vậy, Nosafood biết rất rõ về sản phẩm của họ có 3-MCPD. Bà Kim Cương đã ngụy biện cho việc làm sai trái của công ty vì “việc làm của hàng trăm lao động” và “giá như tất cả cơ sở đều sản xuất theo quy trình mới”. Điều mà Nosafood “giá như” cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tháng 3-2005, Bộ Y tế quy định về hàm lượng chất 3-MCPD nhưng đến nay chỉ TP Hồ Chí Minh và một vài tỉnh thành khác thật sự quan tâm đến vấn đề này.
Theo ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến nay mới chỉ có TP Hồ Chí Minh tiến hành kiểm nghiệm chất 3-MCPD trong nước tương.
Sau một tuần các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về chuyện nước tương “đen”, ngành y tế tỉnh Bình Dương và Long An mới liên hệ với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu và đề nghị chia sẻ thông tin.
Ông Bảo Tâm, công ty Mekong đại diện cho nhiều doanh nghiệp trong Câu lạc bộ nước chấm TP Hồ Chí Minh có ý kiến cho rằng đang có sự bất bình đẳng giữa công ty trong nước với công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất nước tương. Công ty sản xuất nước tương trong nước phải đạt chuẩn tối thiểu 100N, trong khi công ty liên doanh và nước ngoài thì không bắt buộc.
Với lập luận nước tương chỉ là nước chấm để tăng khẩu vị cứ không phải là thực phẩm cung cấp dinh dưỡng, các công ty bức xúc đề nghị nhà nước nên xóa bỏ quy định về độ đạm trong nước tương để họ tập trung giải quyết vấn đề giảm 3-MCPD theo đúng quy định.
Bà Kim Cương cũng có ý kiến tương tự: “Nước tương không đem lại bổ béo gì cho người tiêu dùng nên cho phép hạ độ đạm xuống để tập trung hạ 3-MCPD”.
Sở Y tế thành phố đã ghi nhận kiến nghị này. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Mai, Phó Giám đốc Viện Vệ sinh Y tế Cộng đồng, không có mối liên hệ giữa độ đạm trong nước tương với hàm lượng 3-MCPD. Nguyên nhân có 3-MCPD là do quy trình sản xuất dùng HCl để thủy phân, khi HCl phản ứng với dầu, chất béo sẽ tạo ra 3-MCPD. Ông Mai kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước nên loại quy trình sử dụng HCl để sản xuất nước tương.
Ông Trang Tỷ, Công ty sản xuất gia vị và nước chấm Hậu Sanh cho biết, công ty của ông lâu nay vẫn áp dụng quy trình thủy phân nhưng có xử lý. Các lần kiểm nghiệm đều đạt chuẩn cho phép. Chỉ có đợt sản xuất vừa rồi do chủ quan sơ suất trong việc nhập bánh dầu để sản xuất nước tương nên khi kiểm nghiệm bị vượt 0,1 mg/kg so quy định của Bộ Y tế là 1 mg/kg.
Sự vượt ngưỡng 0,1 mg/kg là rất khó phát hiện. Câu chuyện của Hậu Sanh là câu trả lời cho việc các doanh nghiệp đòi nhà nước bỏ quy định về độ đạm. Vì khi không quy định về độ đạm, nhà sản xuất dễ dàng hạ tỷ lệ 3-MCPD đạt chuẩn cho phép bằng phương pháp vô cùng đơn giản: pha loãng nước tương. Theo ông Mai, nếu không quy định về độ đạm, thì chỉ cần dùng nước pha với muối, màu và hương liệu cũng thành nước tương.
Tại buổi làm việc, đa số cơ sơ nước tương vi phạm giữ thái độ “im lặng” không phát biểu. Duy nhất ông Trang Tỷ, công ty Hậu Sanh thừa nhận việc sản xuất nước tương có 3-MCPD và xin lỗi người tiêu dùng.
Được biết, sau phương tiện thông tin đại chúng công bố danh sách các cơ sở sản xuất nước tương có 3-MCPD, Công ty Nam Dương, Hậu Sanh, Trường Thành và Lam Thuận xin rút khỏi Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao.