Nhiều chuyển biến tích cực trong phòng, chống tham nhũng

Tăng trách nhiệm người đứng đầu, chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiên quyết xử lý sai phạm. Đó là những cách làm của thành phố Hà Nội trong thời gian qua để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Thường vụ Thành ủy Hà Nội. (Ảnh VĂN ĐIỆP)
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Thường vụ Thành ủy Hà Nội. (Ảnh VĂN ĐIỆP)

Xác định phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, huyện Chương Mỹ đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực này.

Xử lý nghiêm sai phạm

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trịnh Tiến Tường cho biết, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện chi ngân sách hợp lý, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, cắt giảm những khoản chưa cần thiết, thực hiện tiết kiệm, giảm đến mức thấp nhất chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội...

Hai năm 2021-2022, huyện đã tiết kiệm được hơn 222 tỷ đồng, trong đó, tổng kinh phí chi thường xuyên tiết kiệm được hơn 88 tỷ đồng; tiết kiệm đầu tư xây dựng hơn 112 tỷ đồng. Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, năm 2021-2022, huyện đã khởi tố bảy vụ với 23 bị can về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản; vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Sau quá trình giải quyết, số tài sản thu hồi được là hơn 1,4 tỷ đồng.

Tại quận Ba Đình, Bí thư Quận ủy Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng triệt để, hiệu quả, Quận ủy Ba Đình tăng cường chỉ đạo thực hiện phân cấp gắn liền với phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Ngoài ra, quận tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế đã nêu trong báo cáo, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Thanh tra Chính phủ; thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, thành phố về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp như quận Ba Đình, huyện Chương Mỹ đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố Hà Nội. Theo đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm nói riêng, công tác giám định và định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực cũng có những chuyển biến tích cực.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, kiến nghị, xử lý tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo tổ chức 46 đoàn kiểm tra, giám sát; kiểm tra có dấu hiệu vi phạm các tổ chức đảng và 2.910 đảng viên. Công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực chuyển biến tốt; trong kỳ kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết 1.945 nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã quan tâm chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; đưa 53 vụ án, vụ việc vào diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; đến nay đã xử lý dứt điểm 44 vụ việc.

Tăng kiểm tra, giám sát

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Công văn số 564-CV/TU ngày 8/11/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố. Trong đó, Ban Thường vụ yêu cầu kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thành phố thực hiện phân cấp gắn liền với phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại buổi làm việc mới đây của Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với Thành ủy Hà Nội, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong triển khai nhiệm vụ này của thành phố.

Đồng chí yêu cầu thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý từ đầu các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể sai phạm, theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra, không chờ đến lúc kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm liên quan đến cán bộ diện cấp ủy quản lý thì chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra và Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo xử lý.

Chỉ đạo nghiêm túc việc rà soát lại các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành”, đồng chí Phan Đình Trạc lưu ý và đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.