Nhiều bất cập cần tháo gỡ ở nội dung giáo dục địa phương

Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nội dung giáo dục địa phương được áp dụng thực hiện từ lớp 1-12 nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương và giúp học sinh vận dụng những điều đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương đang phát sinh nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học giáo dục địa phương của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh Long Thành)
Giờ học giáo dục địa phương của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh Long Thành)

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Thái Văn Tài cho biết: Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nội dung giáo dục địa phương có thời lượng là 35 tiết/lớp/năm học (140 tiết đối với cấp trung học cơ sở và 105 tiết đối với cấp trung học phổ thông), có vị trí như một môn học độc lập, do địa phương chịu trách nhiệm tổ chức biên soạn, thẩm định, trình Bộ Giáo dục và Ðào tạo phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện hướng dẫn biên soạn, thẩm định tài liệu; hướng dẫn tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương; tổ chức xuất bản, phát hành tài liệu; tư vấn, hướng dẫn, đôn đốc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương. Ðến thời điểm hiện tại, cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Riêng đối với tài liệu giáo dục địa phương các lớp 5, 9, 12 vẫn đang được địa phương hoàn thiện để tổ chức thẩm định.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai nội dung giáo dục địa phương, đại diện Sở Giáo dục và Ðào tạo Ninh Bình cho biết: Ngay từ đầu năm học, 100% số cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục được tập huấn, bồi dưỡng sử dụng dạy học tài liệu giáo dục địa phương đối với từng khối lớp với các hình thức: Trực tiếp, trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sở Giáo dục và Ðào tạo giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục trong việc phối hợp các nhà xuất bản in ấn theo nhu cầu của học sinh; xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học trong đó nội dung giáo dục địa phương được dạy lồng ghép, tích hợp cụ thể ở môn học, bài học. Giáo viên đã sử dụng hợp lý và có hiệu quả các thiết bị dạy học, trong đó chú trọng các loại hình như mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, bản đồ, sơ đồ… Ðồng thời, giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học để giúp học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá; chú trọng rèn luyện cho học sinh biết cách sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới; tổ chức, hướng dẫn và tạo cơ hội cho học sinh thực hành, trải nghiệm, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu cần đạt của môn học.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện nội dung giáo dục địa phương, một số địa phương gặp khó khăn trong việc ban hành kế hoạch, xây dựng khung nội dung, biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Bắc Kạn Ðào Thị Mai Sen cho biết: Việc tham mưu ban hành tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh Bắc Kạn ở một số năm còn chậm so với kế hoạch. Hiện tại tỉnh chưa phát hành được tài liệu các lớp 4, 8 và 11 do quy trình biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương cần nhiều thời gian; đội ngũ tác giả chủ yếu là người địa phương, thuộc nhiều đơn vị khác nhau, kinh nghiệm biên soạn tài liệu cho học sinh chưa đồng đều; tiến độ in ấn, phát hành tài liệu còn chậm cho nên các cơ sở giáo dục phải sử dụng bản PDF để giảng dạy và học tập.

Trong khi đó, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Phạm Vĩnh Thái cho biết: Do không có quy định chi tiết về nội dung tài liệu giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho nên khi các địa phương chủ động xây dựng các mạch kiến thức theo lớp học, cấp học còn gặp nhiều khó khăn; thiếu đội ngũ tác giả có chất lượng cao, vừa am hiểu sâu sắc về địa phương, vừa có kinh nghiệm viết sách tham gia biên soạn, nhất là theo định hướng phát triển năng lực, bảo đảm yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bên cạnh đó, chế độ nhuận bút dành cho tác giả chưa phù hợp cho nên không thu hút được nhiều tác giả có uy tín tham gia biên soạn. Thêm nữa, vấn đề bản quyền sau khi biên soạn thuộc chủ sở hữu là Sở Giáo dục và Ðào tạo, các tác giả chỉ được hưởng chế độ nhuận bút lần đầu, không được bảo đảm quyền lợi ở các năm tiếp theo. Nguồn hình ảnh bảo đảm chất lượng tại địa phương không nhiều. Muốn có ảnh bảo đảm chất lượng, phù hợp nội dung, đáp ứng được yêu cầu trong tài liệu giáo dục địa phương, các đơn vị tổ chức bản thảo phải tổ chức đi chụp ảnh theo kịch bản trong tài liệu, mất nhiều công sức và tốn kém.

Trước những bất cập nêu trên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Phạm Vĩnh Thái đề xuất Bộ Giáo dục và Ðào tạo phối hợp với Bộ Tài chính để bổ sung nguồn kinh phí cho công tác biên soạn, biên tập, in và phát hành; điều chỉnh chế độ nhuận bút tác giả tương đương nhuận bút biên soạn sách giáo khoa. Ðồng thời, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sớm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn cụ thể đối với phương án dùng ngân sách nhà nước, phương án xã hội hóa để các địa phương có thể triển khai in tài liệu giáo dục địa phương.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Trà Vinh Tăng Thị Ngọc Mai mong muốn Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thiết lập tủ sách riêng về tài liệu giáo dục địa phương của 63 tỉnh, thành phố để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh tham khảo, đọc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, thắng cảnh… của các vùng miền trên cả nước.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Ngọc Thưởng, nội dung giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là vấn đề khó, phức tạp. Vì vậy, các địa phương trong quá trình biên soạn, in ấn, phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương phải theo hướng đơn giản, có căn cứ pháp lý, phải đúng quy định, hiệu quả. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận; thực hiện đồng bộ các giải pháp để có được tài liệu giáo dục địa phương bảo đảm đúng quy định và tiến hành giảng dạy cho học sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Vụ Giáo dục tiểu học chủ trì tổng hợp kiến nghị của các sở giáo dục và đào tạo, từ đó đề xuất các giải pháp tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan; chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch công tác tập huấn về triển khai nội dung Giáo dục địa phương vào thời gian thích hợp.