Nhiều bài học quý trong bố trí lãnh đạo cấp huyện không là người địa phương

Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị đề ra chủ trương bố trí lãnh đạo không là người địa phương. Qua nhiều nhiệm kỳ tổ chức thực hiện chủ trương nêu trên đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đề ra mục tiêu, đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Khảo sát, tổng kết, tình hình bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương, cho thấy đội ngũ này ở nhiều nơi đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành phố, công tác này đang còn nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tìm hiểu tình hình sản xuất lúa trên địa bàn. (Ảnh ĐỨC TUÂN)
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải tìm hiểu tình hình sản xuất lúa trên địa bàn. (Ảnh ĐỨC TUÂN)

Qua nhiều năm liền, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ lãnh đạo bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đã có 15 tỉnh đã hoàn thành bố trí 100% số bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương; hàng chục tỉnh, thành phố khác đạt tỷ lệ cao và đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu.

Sức thuyết phục từ thực tiễn

Hà Nội đã bố trí Bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 28/30 quận, huyện. Huyện Thanh Oai, nơi từng có giai đoạn mất đoàn kết nghiêm trọng, thậm chí, có thời điểm, 40% số cấp ủy cấp huyện phải điều chuyển bảo đảm đại hội tổ chức thành công, đến nay, qua sự tập trung lãnh đạo của cấp ủy cấp trên, cùng với sự nỗ lực của cán bộ luân chuyển, người đứng đầu cùng tập thể cấp ủy huyện Thanh Oai đã tạo thế ổn định và phát triển. Tại tỉnh Lào Cai, thực hiện chủ trương nêu trên, đến nay hầu hết bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương.

Mù Cang Chải là huyện miền núi, vùng sâu của tỉnh Yên Bái, với 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện thuộc diện nghèo nhất Yên Bái, với tỷ lệ hộ nghèo tới 52%, trình độ canh tác lạc hậu, tài nguyên rừng cạn kiệt... Năm 2019, đồng chí Nông Việt Yên, không phải người địa phương, được tỉnh luân chuyển về huyện làm Bí thư Huyện ủy đến nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến cho biết, đồng chí Nông Việt Yên đã dày công đi thực tế nghiên cứu về tiềm năng cùng nguyên nhân kém phát triển của huyện.

Từ đó, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo dồn sức đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, tạo mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” triển khai trong toàn hệ thống chính trị. Mô hình đã tăng tính gắn kết cộng đồng, là phương thức huy động hệ thống chính trị, là “cú huých” tạo đột phá trong giảm nghèo bền vững. Ba năm qua, từ các chương trình, giải pháp được triển khai hiệu quả, số hộ nghèo của huyện giảm nhanh, dẫn đầu tỉnh Yên Bái; kinh tế-xã hội huyện Mù Cang Chải phát triển nhanh, bền vững.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, hiện hầu hết bí thư cấp ủy cấp huyện ở Hưng Yên không phải là người địa phương. Nhiệm kỳ 2020-2025, Mỹ Hào đánh dấu giai đoạn mới, từ huyện trở thành thị xã, từ chính quyền nông thôn chuyển thành chính quyền đô thị.

Trước yêu cầu mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luân chuyển một ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Trần Thị Thanh Thủy, không phải người địa phương, về đảm nhiệm cương vị Bí thư Thị ủy. Từ lãnh đạo một ban của Đảng, trên cương vị mới, đồng chí cùng tập thể Ban Thường vụ Thị ủy duy trì nghiêm các chế độ, quy định của Ðảng, ban hành, bổ sung quy chế làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy hiệu quả hoạt động các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị.

Cả Ðảng bộ dồn sức cho hai khâu đột phá và năm giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực. Quá trình xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, Ðảng bộ thị xã coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có năng lực, uy tín, tính chuyên nghiệp cao. Hiện trên địa bàn, 260 dự án được triển khai đầu tư, năm khu công nghiệp lớn cùng nhiều làng nghề đang hoạt động với diện tích gần 1.000 ha.

Nghệ An cũng là tỉnh chủ động thực hiện bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương ở cả địa bàn đô thị, trọng điểm phát triển và vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2020-2025, Hoàng Mai từ huyện phát triển thành thị xã, được tỉnh định hướng trở thành một đô thị biển gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng... Từ đầu nhiệm kỳ này, đồng chí Lê Trường Giang là cán bộ luân chuyển, được đại hội bầu giữ cương vị Bí thư Thị ủy.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thị xã cùng tập thể lãnh đạo đã xác định các giải pháp đồng bộ, khoa học, dồn sức khai thác các giá trị tiềm năng trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội thiết thực. Ba năm qua, kinh tế-xã hội của Hoàng Mai đã có những bước tăng trưởng khá, tốc độ đô thị hóa nhanh, ngành nghề phát triển đa dạng. Hoàng Mai từng bước khẳng định vai trò là một trong ba cực tăng trưởng của tỉnh.

Từ các diễn đàn và tổng kết thực tiễn ở nhiều địa phương ghi nhận hầu hết các ý kiến đánh giá tốt chủ trương bố trí bí thư, cán bộ chủ chốt cấp huyện không là người địa phương. Quá trình này ở từng địa phương không chỉ giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn, giảm nguy cơ không tuân thủ sự lãnh đạo của cấp trên, khắc phục hạn chế trong công tác cán bộ, mà còn tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá về kinh tế-xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Qua công tác, tính sáng tạo, năng động và tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ được phát huy, cán bộ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trưởng thành vững chắc. Thực tiễn nêu trên trực tiếp góp phần tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu...

Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, đến nay cả nước có 555 bí thư cấp ủy cấp huyện (chiếm 79%) không là người địa phương. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đề nghị thực hiện nhất quán đồng thời cả chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Những vấn đề đặt ra

Cùng với hiệu quả được khẳng định, khảo sát quá trình tổ chức triển khai chủ trương bố trí bí thư, cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương tại nhiều tỉnh, thành phố cho thấy đang bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn. Cơ chế, chính sách liên quan chủ trương này còn nhiều bất cập. Số lượng, chất lượng bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu yêu cầu trong nhiều nhiệm kỳ.

Nguyên nhân là do một số cấp ủy, tổ chức đảng trong nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn thiếu thống nhất, chưa ngang tầm nhiệm vụ, trong đó thể hiện rõ trong xây dựng kế hoạch bố trí các chức danh; chưa gắn công tác luân chuyển, bố trí cán bộ với quy hoạch cán bộ. Tại nhiều địa phương, khâu đánh giá, lựa chọn, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử để bố trí, sắp xếp chức danh bí thư cấp ủy không là người địa phương còn nhiều bất hợp lý, bố trí cán bộ chưa bảo đảm đúng yêu cầu, nhiệm vụ, chưa đúng sở trường của cán bộ.

Mặt khác, cán bộ chủ chốt ở một số nơi có tư tưởng không muốn tiếp nhận người nơi khác đến công tác, không giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ được điều động về. Còn không ít cán bộ do nhận thức, có biểu hiện thủ thế, lo “tròn vai”, chờ ngày về, chưa thật sự tâm huyết, nỗ lực, phấn đấu khẳng định rõ hơn năng lực bản thân, vì thế chưa có những đóng góp thiết thực, hiệu quả ở địa phương. Cùng với đó, quá trình tổ chức triển khai đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế; cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến chủ trương này còn nhiều bất cập... Từ đó, số lượng, chất lượng bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, ở nhiều địa phương vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Từ thực tế trên, Hà Nội rút ra bài học, phải có cơ chế và nhiều kênh khách quan để giám sát, đánh giá, xử lý, kiên quyết ngăn chặn “lợi ích nhóm”, “bè phái”, “cánh hẩu” trong bố trí cán bộ. Đồng thời, cần nhanh chóng hoàn thiện về cơ chế, chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến thực hiện chủ trương này.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông nêu kinh nghiệm việc đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ luân chuyển cần được đổi mới theo hướng khoa học, dân chủ, khách quan. Các cấp ủy nghiêm túc gắn đánh giá trách nhiệm của cá nhân với kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể, trong đó chú trọng đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; kiên quyết không để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lợi dụng, lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền; hoặc cơ hội, “dĩ hòa vi quý” chờ thời.

Cần quan tâm tới quy trình tổ chức thực hiện, đánh giá đầy đủ tính chất, yêu cầu của địa phương, đó là đô thị hay nông thôn, điểm mạnh hay điểm yếu, tập trung phát triển kinh tế hay tập trung phát triển đô thị, có những vấn đề gì mà người đứng đầu cấp ủy phải tập trung giải quyết. Từ đó, phải lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đặc biệt là có chuyên môn cao về những lĩnh vực mà địa bàn đó quan tâm.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Chu Đình Ngữ

Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương từ Trung ương tới cơ sở. Các cấp, các cơ quan chức năng phối hợp hiệu quả từ khâu xây dựng kế hoạch đến chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đặc biệt, cần phải làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, xây dựng kế hoạch tổng thể với lộ trình và bước đi cụ thể về bố trí cán bộ không là người địa phương làm bí thư cấp ủy, rộng hơn là cán bộ chủ chốt cấp huyện; coi trọng công tác lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương.

Việc lựa chọn người đứng đầu cấp ủy cấp huyện bảo đảm trước hết là những cán bộ có năng lực, phẩm chất, uy tín, có trách nhiệm, là hạt nhân đoàn kết và có bản lĩnh, dám đương đầu với thách thức, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển chung. Mặt khác, cần bố trí đủ thời gian để cán bộ rèn luyện, thử thách và cống hiến; sớm xây dựng, hoàn thiện quy định, cơ chế, thể chế, chính sách có liên quan...