Nhiếp ảnh gia Nick Út tặng ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

NDO -

NDĐT – Ngày 6-5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt lừng danh Nick Út đã trao cho Bảo tàng một số ảnh và hiện vật, trong đó có bức ảnh "Em bé Napalm".

Nhiếp ảnh gia Nick Út tặng ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Những ảnh và hiện vật ông tặng bao gồm bốn bức ảnh ông chụp trong chiến tranh Việt Nam, một bức ảnh do đồng nghiệp chụp có mặt ông trong chuỗi ảnh chụp Phan Thị Kim Phúc bị bỏng do bom Napalm ngày 8-6-1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh, và một máy ảnh hiệu Nikkormat – một trong những chiếc máy ảnh ông từng sử dụng khi tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam.

Những khoảnh khắc ghi lại bức ảnh để đời này cũng được Nick Út chia sẻ trong lễ trao tặng: “Giữa làn khói mờ của bom đạn, tôi nhìn thấy một cô bé mình trần vừa chạy vừa hét lớn cùng những đứa trẻ khác. “Sao cô bé không mặc quần áo nhỉ?” – suy nghĩ lóe lên trong dầu và tôi đã giơ máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc đó. Khi lại gần cô bé, nhìn thấy vết bỏng, tôi cứ nghĩ cô bé sẽ chết mất, tôi mang nhiều nước tới rồi dội lên người cô bé. Cô bé hét lên: “Nóng quá, nóng quá”. Cô bé không muốn dội nước lên người mà chỉ muốn uống nước. Sau đó, tôi đưa những đứa trẻ đi cấp cứu tại bệnh viện Củ Chi”.

Nhiếp ảnh gia Nick Út tặng ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ảnh 1
Những bức ảnh Nick Út tặng cho Bảo tàng.

Hiện tại, Phan Thị Kim Phúc vẫn giữ liên lạc đều đặn với Nick Út và coi ông như người thân trong gia đình. Ông kể: “Cô ấy gần như tuần nào cũng gọi cho tôi, chia sẻ đủ mọi chuyện. Mới tuần trước cô ấy gọi từ Malaysia, khoe đang du lịch bên đó nhưng bị ngộ độc thực phẩm nên không khỏe lắm, phải đi bệnh viện”.

Bức ảnh chụp Phan Thị Kim Phúc – “Em bé Napalm” sau khi được công bố, đã có sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chỉ bốn giờ sau khi được gửi đi từ Sài Gòn, bức ảnh đã gây sốc trên toàn thế giới, khởi đầu cho phong trào phản chiến mạnh mẽ ở Mỹ và khắp châu Âu lúc bấy giờ. Bức ảnh đã đem về giải thưởng Pulitzer danh giá cho Nick Út năm 1973, khi ông mới 22 tuổi và vẫn còn chưa hình dung ra giải thưởng đó danh giá ra sao.

Nhiếp ảnh gia Nick Út, sinh năm 1951 tại Long An, hiện là người Mỹ gốc Việt, sống tại Los Angeles, làm cho hãng tin AP từ năm 16 tuổi. Tháng 3-2017, ông nghỉ hưu và đi khắp nơi cùng chiếc máy ảnh, ghi lại những khoảnh khắc sôi động của cuộc sống. Bên cạnh việc là một phóng viên chiến trường kỳ cựu, ông còn thể hiện sự nhạy bén trong khi tác nghiệp ở bất kỳ đề tài nào. Năm 2007, tình cờ cũng đúng vào ngày 8-6, ông là ngươi duy nhất trong số 300 tay săn ảnh đã chụp được ngôi sao Paris Hilton khóc khi bị vào tù.

Nhiếp ảnh gia Nick Út tặng ảnh cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ảnh 2
Nick Út và Phan Thị Kim Phúc diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại London năm 2000.

Là công dân Mỹ gốc Việt, nhưng Nick Út luôn tự hào về cái tên và nguồn gốc Việt Nam Huỳnh Công Út của mình. Sau 51 năm cống hiến cho hãng tin AP, khi không còn quá bận rộn với công việc, ông mong muốn gửi lại những tác phẩm thành công của mình đến một nơi để lưu giữ lịch sử cho thế hệ trẻ mai sau, và ông đã chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là Bảo tàng đầu tiên ông trao tặng các tác phẩm của mình.

Chia sẻ về mong muốn này, Nick Út nói: “Bảo tàng là nơi giáo dục thế hệ trẻ tốt nhất. Thông qua bảo tàng, tôi mong các bạn trẻ ở Việt Nam sẽ có cơ hội để hiểu biết thêm về chiến tranh, về lịch sử đầy tự hào của dân tộc mình. Tôi muốn gửi lại một nơi để gìn giữ lịch sử cho đất nước, cho đời sau, cho thế hệ trẻ. Hình ảnh về một người phụ nữ, câu chuyện về một người phụ nữ, không đâu hợp hơn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam”.

Năm bức ảnh và chiếc máy ảnh mà Nick Út trao tặng sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đến hết ngày 18-5 để phục vụ khách tham quan và hướng tới Ngày quốc tế Bảo tàng năm 2017 với chủ đề “Bảo tàng và lịch sử: “Chia sẻ những câu chuyện chưa kể tại bảo tàng”.