Chính phủ mới của Hàn Quốc nhận trách nhiệm “chèo lái con thuyền” đất nước trong bối cảnh thế giới chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và giá lương thực, năng lượng tăng cao. Xứ Kim chi đang có tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt.
Trong đó, chính trường cũng bị chia rẽ sâu sắc khi hai đảng chính trị lớn nhất là đảng Dân chủ (DP) cầm quyền và đảng Quyền lực quốc dân (PPP) đối lập hiện có nhiều mâu thuẫn. Nhiều chính sách của chính phủ mới có thể gặp khó khăn do DP đang chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội.
Trong khi đó, sau hơn hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế Hàn Quốc chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội, sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn chồng chất, khiến nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay.
Nhiệm vụ hàng đầu mà chính quyền mới ở Hàn Quốc dành ưu tiên thực hiện là thông qua khoản ngân sách bổ sung lên tới 28 tỷ USD để hỗ trợ những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra cho các tiểu thương. Chính phủ mới cũng cam kết thúc đẩy nền kinh tế thị trường lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hỗ trợ khôi phục môi trường sinh thái công nghiệp vốn chịu ảnh hưởng do chính sách điện hạt nhân, cải thiện tính bền vững của thị trường tài chính.
Hàn Quốc tiếp tục phát huy thế mạnh khi đặt mục tiêu thực hiện những bước “nhảy vọt” thông qua phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp chiến lược trong tương lai như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, phấn đấu đưa Hàn Quốc trở thành một trong 5 cường quốc (G5) về khoa học và công nghệ trên thế giới. Chính phủ mới đặt mục tiêu tăng xuất khẩu chíp lên 170 tỷ USD vào năm 2027, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của ngành công nghiệp và thương mại, phát huy khả năng sáng tạo để đối phó cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhằm chuyển đổi từ một “quốc gia bị ảnh hưởng” thành “quốc gia có ảnh hưởng” xứng tầm vị thế kinh tế của đất nước, chính phủ mới của Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng cường “Liên minh chiến lược toàn diện” Mỹ-Hàn, đồng thời liên minh chặt chẽ với Mỹ trong các cơ chế đa phương như nhóm Bộ tứ (cơ chế tham vấn 4 bên giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) để tìm kiếm tư cách thành viên chính thức trong tương lai.
Về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, những ưu tiên của chính phủ mới ở Hàn Quốc gồm thúc đẩy phi hạt nhân hóa “hoàn toàn và có thể kiểm chứng”, bình thường hóa quan hệ liên Triều… Đặc biệt, tân Tổng thống Hàn Quốc đề xuất vực dậy nền kinh tế Triều Tiên bằng “kế hoạch táo bạo” và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân miền bắc nếu nước này thực hiện các bước trong tiến trình phi hạt nhân hóa.
Với chủ trương cải thiện quan hệ với Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc đã cử phái đoàn phối hợp chính sách do Phó Chủ tịch Quốc hội Chung Jin-suk dẫn đầu sang Tokyo để cùng thảo luận các nỗ lực phát triển quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai, vì lợi ích chung của hai nước. Trong quan hệ với Trung Quốc, chính phủ mới ở Hàn Quốc chủ trương điều chỉnh lại quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau; không coi cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là thách thức với Hàn Quốc mà là cơ hội có thể tận dụng để phát triển.
Chính phủ mới của Hàn Quốc dành ưu tiên cho đoàn kết toàn dân, dẫn dắt đất nước vượt qua khủng hoảng để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. “Xứ Kim chi” kỳ vọng sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay để đạt được các mục tiêu phát triển thông qua chương trình hành động quyết liệt của chính phủ mới.