Các lệnh hạn chế đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản được EU áp dụng sau khi xảy ra thảm họa động đất-sóng thần năm 2011 gây sự cố nghiêm trọng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, dẫn tới nguy cơ thực phẩm có thể nhiễm chất phóng xạ. Hiện nay, Nhật Bản đề nghị EU nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế đối với những sản phẩm như hải sản và nấm rừng khai thác tại khu vực đông bắc tỉnh Fukushima.
Trong khi đó, trong tuyên bố chung sau Đối thoại Nhật Bản-Mỹ về nông nghiệp bền vững, hai nước nhất trí thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp để chia sẻ thông tin và thảo luận các chính sách liên quan. Bộ trưởng Tetsuro Nomura nêu rõ: “Tôi hy vọng sự hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ về phát triển nông nghiệp một cách bền vững sẽ còn trở nên mạnh mẽ hơn nữa”.
Hai cuộc hội đàm giữa các quan chức Nhật Bản với EU và Mỹ diễn ra trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm tập trung thảo luận các biện pháp bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Ngày 22/4, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước G7 đã nhóm họp tại thành phố Miyazaki của Nhật Bản để tìm giải pháp bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản, các cuộc thảo luận của G7 tập trung vào việc tăng năng suất nông nghiệp để tăng sản lượng, đồng thời thực hiện theo cách thức thân thiện với môi trường. Tại cuộc họp, Nhật Bản cũng có kế hoạch kêu gọi các thành viên khác trong nhóm tham gia dự án có sự tham gia của Liên hợp quốc và EU nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất lương thực quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển.
Trước đó, Nhật Bản đã nhất trí với Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế về tăng cường quan hệ đối tác trong việc xóa đói trên toàn thế giới và đưa ra sáng kiến giúp các nhà sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ hướng tới canh tác bền vững với sự tham gia của các công ty tư nhân. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản sẽ đóng góp 1,7 triệu USD cho sáng kiến này.
Hội nghị về lương thực của G7 diễn ra trong bối cảnh tình trạng gián đoạn nguồn cung trên các thị trường lương thực đang đẩy giá cả tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các nước nghèo. Các tổ chức quốc tế, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới, đã kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.