Nhật Bản hướng tới quỹ đạo tăng trưởng mới

Kỳ họp thường niên của Quốc hội Nhật Bản đã chính thức khai mạc và dự kiến kéo dài 150 ngày. Đây là cơ hội để giới lập pháp Nhật Bản phát huy tinh thần đoàn kết chung tay nhanh chóng vực dậy nền kinh tế thứ ba thế giới vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đưa đất nước Mặt trời mọc tăng trưởng mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Nhật Bản ở Tokyo ngày 23/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Nhật Bản ở Tokyo ngày 23/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ đệ trình 60 dự luật trong kỳ họp Quốc hội, trong đó đáng chú ý có một dự luật về bảo đảm nguồn tài chính cho việc tăng chi tiêu quốc phòng. Các dự luật quan trọng khác cũng sẽ được thảo luận tại kỳ họp gồm một dự luật liên quan việc sửa đổi Luật Cư trú và một dự luật về việc cho phép các lò phản ứng hạt nhân cũ hoạt động quá thời hạn 60 năm.

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Fumio Kishida (Phư-mi-ô Ki-si-đa) kêu gọi các nghị sĩ chung tay đưa Nhật Bản vào quỹ đạo tăng trưởng mới. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm lương tăng nhanh hơn tốc độ tăng lạm phát, đồng thời khẳng định tăng tiền lương là chìa khóa để đạt được vòng tuần hoàn tái phân phối thu nhập gia tăng của các công ty cho người lao động và kích thích chi tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc nuôi dạy trẻ là khoản đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai, đồng thời cam kết xây dựng nền kinh tế và xã hội ưu tiên hàng đầu cho trẻ em nhằm đảo ngược xu hướng tỷ lệ sinh giảm.

Về Cơ quan Trẻ em và Gia đình - một cơ quan mới mà Chính phủ dự kiến sẽ thành lập vào tháng 4 tới, Thủ tướng Kishida cho biết, trong thời gian từ nay tới tháng 6/2023, Chính phủ sẽ xây dựng đề cương kế hoạch nhằm tăng gấp đôi ngân sách cho việc nuôi dạy trẻ.

Về an ninh quốc gia, Thủ tướng Kishida cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm đủ kinh phí cho việc thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP trong vòng 5 năm tới.

Về đối ngoại, Thủ tướng Kishida cũng khẳng định sẽ giữ vai trò đi đầu trong chính sách đối ngoại với tư cách là Chủ tịch Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong năm nay.

Một trong các vấn đề quan trọng được Quốc hội Nhật Bản thảo luận là dự toán ngân sách tài khóa 2023 (bắt đầu từ tháng 4/2023) vừa được trình Quốc hội, bao gồm các khoản chi nhằm hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lạm phát, vốn đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, cùng với các kế hoạch chi cho quốc phòng kỷ lục.

Theo dự báo mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, quy mô nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, xét về GDP thực tế, sẽ tăng lên mức kỷ lục 558.500 tỷ yên trong tài khóa 2023, trong khi chỉ số giá tiêu dùng lõi sẽ giảm từ 3% của năm 2022 xuống còn 1,7% năm nay. Chính phủ dự kiến tăng trưởng thực tế sẽ vào khoảng 1,5%, trong khi tăng trưởng danh nghĩa là 2,1% trong tài khóa 2023.

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực bảo đảm không gian tài khóa đề phòng các cuộc khủng hoảng trong tương lai, trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki (S.Xư-dư-ki) cảnh báo tình hình sức khỏe tài khóa của nước này đang xấu đi với quy mô chưa từng có sau các đợt chi tiêu lớn liên quan đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị.

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản trong ngày đầu tiên của phiên họp thường kỳ, Bộ trưởng Suzuki cho rằng, môi trường chung quanh nền kinh tế Nhật Bản đang ngày càng xấu đi do giá cả tăng và nỗi lo suy thoái toàn cầu liên quan các chính sách thắt chặt tiền tệ.

Đối mặt với những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và biến động của tình hình thế giới, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu phục hồi kinh tế trước khi tái cơ cấu tài khóa. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự thảo ngân sách kỷ lục 114.380 tỷ yên cho tài khóa 2023, bắt đầu từ ngày 1/4 tới.

Ông cho rằng, vào thời điểm bước ngoặt này, ngân sách 2023 sẽ vạch ra con đường để giải quyết những thách thức lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt ở trong và ngoài nước, qua đó định hình tương lai của xứ Phù Tang.