Đây sẽ là đợt bổ sung đầu tiên cho 12 lĩnh vực ban đầu được đưa vào chương trình “kỹ năng đặc định” ra mắt năm 2019. Các lĩnh vực bổ sung bao gồm vận tải đường bộ, đường sắt, lâm nghiệp và gỗ, dự kiến sẽ thu hút thêm hàng chục nghìn lao động nước ngoài tới Nhật Bản.
Danh mục vận tải đường bộ sẽ bao gồm nhân viên điều hành dịch vụ xe buýt, ta-xi, tài xế xe tải, trong khi đường sắt bao gồm người soát vé, nhân viên nhà ga và bảo trì thiết bị.
Nội các Nhật Bản đặt mục tiêu đưa ra quyết định trước khi năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2024.
Hiện các công ty vận tải đường bộ Nhật Bản đang phải đối mặt với quy định giới hạn giờ làm thêm đối với tài xế có hiệu lực vào tháng 4 tới. Điều này được cho là có thể làm chậm quá trình vận chuyển.
Việc bổ sung vận tải đường bộ vào chương trình “kỹ năng đặc định” sẽ cho phép các công ty tiếp nhận tài xế cho các dịch vụ đặt xe, vốn đang được Nhật Bản cho phép trên cơ sở hạn chế tại một số thời điểm và khu vực nhất định đang thiếu taxi. Chính phủ đang chuẩn bị các bài kiểm tra cần thiết để cung cấp bằng lái xe thương mại tại Nhật Bản bằng 20 ngôn ngữ.
Nan giải bài toán dân số và thiếu hụt lao động tại Nhật Bản
Tính đến cuối tháng 11/2023, Nhật Bản có 201.307 lao động có thị thực “kỹ năng đặc định” cấp 1 (có thời hạn 5 năm) và 29 người có thị thực cấp 2 (có thể cư trú vô thời hạn). Khi chương trình ra mắt, chính phủ đã đặt giới hạn tiếp nhận 345 nghìn người có tư cách lưu trú theo diện này vào mùa xuân 2024.
Để Nhật Bản trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài, Bộ Tư pháp và các tổ chức khác đã xem xét lại khuôn khổ cấp thị thực. Chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ thuật không còn thích hợp sẽ bị bãi bỏ và một chương trình mới dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2027, với ít hạn chế hơn trong việc thay đổi công việc.
Thị thực “kỹ năng đặc định” nhằm tạo điều kiện cho những người có kỹ năng nâng cao tiếp tục làm việc tại Nhật Bản và nếu được chứng nhận “kỹ năng đặc định” cấp 2, người lao động có thể cư trú lâu dài và mang theo gia đình tới Nhật Bản.