Nhanh chóng kiểm soát dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng trên địa bàn Hà Nội. Ngành y tế, chính quyền địa phương và mọi người dân cần tích cực vào cuộc, triển khai các giải pháp phòng, chống để nhanh chóng giảm số ca mắc và tử vong do dịch bệnh này.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh kiểm tra các dụng cụ chứa nước để loại trừ bọ gậy. (Ảnh Khánh Hà)
Người dân thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh kiểm tra các dụng cụ chứa nước để loại trừ bọ gậy. (Ảnh Khánh Hà)

XÃ Kim Chung (huyện Đông Anh) là địa bàn tập trung nhiều công nhân làm việc trong các khu công nghiệp thuê trọ. Điều kiện sinh hoạt không tốt, nhiều phòng trọ tạm bợ, chật hẹp, sử dụng nhiều bồn, bể chứa nước không được đậy kín, nhiều cống, rãnh thoát nước không được khơi thông thường xuyên, là môi trường “yêu thích” của muỗi. Chị Nguyễn Thanh Hiền (ở thôn Bầu, xã Kim Chung) cho biết: “Thấy con gái sốt cao không đỡ, gia đình đưa đi khám mới biết con bị sốt xuất huyết. Chắc do cháu chạy chơi trong khu nhà trọ, mà tôi lại chủ quan, không xịt muỗi, mặc quần áo dài tay cho cháu”.

Chỉ hơn một tháng qua, xã Kim Chung đã trở thành một trong ba ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Đông Anh. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, hiện nay huyện đang là một trong

số những địa bàn có số ca mắc cao của thành phố, với 89 ca. Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền sâu rộng hơn đến các tầng lớp nhân dân về phòng, chống sốt xuất huyết nhằm kiềm chế đà tăng của dịch bệnh.

Nửa đầu tháng 9/2022, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng tăng nhanh chóng, ghi nhận tới 40 ca mắc, chiếm tới 57% tổng số ca mắc trong năm nay. Còn tại quận Bắc Từ Liêm, tính từ đầu năm đến giữa tháng 9/2022, đã ghi nhận 171 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng tới 151 ca so với cùng kỳ năm 2021. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, người dân có tâm lý chủ quan, ý thức về phòng, chống sốt xuất huyết của một số người dân, chủ doanh nghiệp chưa cao.

Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tiếp tục tăng cao với 760 ca mắc, 44 ổ dịch mới, tăng 38,9% so với tuần trước (547 ca), trong đó tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đống Đa, Đan Phượng, Hà Đông…

Còn từ đầu năm đến giữa tháng 9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có bốn trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã với ba tuýp vi-rút lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, Dengue 4. Hiện tại, còn 118 ổ dịch tại 26 quận, huyện, trong đó hai ổ dịch tại thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì và thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất đang có nhiều bệnh nhân.

Theo ngành y tế, dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới trên địa bàn Hà Nội và cả nước do đang trong cao điểm mùa dịch. Với những người đã mắc sốt xuất huyết cũng không thể chủ quan do cơ thể chỉ tạo được miễn dịch với chủng vi-rút đã mắc. Trong khi, vi-rút gây bệnh sốt xuất huyết có tới bốn chủng khác nhau. Do đó, các địa phương cần triển khai các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Những ngày qua, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố tiếp tục ra quân phòng, chống sốt xuất huyết. Trung tâm y tế huyện Phúc Thọ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu vực ổ dịch; đồng thời thu gom phế thải, phát quang bụi rậm, lật úp tất cả các dụng cụ chứa nước tại các khu vực công cộng, khu dân cư…

Quận Bắc Từ Liêm triển khai 24 đợt tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại tất cả 13 phường, kiểm tra việc phòng, chống muỗi và phun hóa chất diệt muỗi tại gần 117 nghìn hộ gia đình và 96 khu vực ngoài hộ gia đình.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, ngành y tế sẽ tích cực lấy mẫu xét nghiệm giám sát huyết thanh và vi-rút Dengue, tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và các bệnh viện được phân cấp để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Các đơn vị, địa phương cần tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ, hạn chế thấp nhất việc để dịch lan rộng, số ca mắc tăng thêm.