Nhân tố thay đổi cuộc chơi trong chuyển đổi năng lượng

Phát biểu tại một cuộc họp với chủ đề "Tài trợ cho tương lai năng lượng hạt nhân của châu Phi" diễn ra ở thủ đô Kigali của Rwanda, ông Gatete đã nhấn mạnh vai trò của châu Phi như một khu vực dẫn đầu toàn cầu về sản xuất uranium, với Namibia và Niger được xếp vào nhóm 5 quốc gia đóng góp nhiều nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Nam Phi chú trọng sản xuất điện hạt nhân. (Ảnh SAFCEI)
Nam Phi chú trọng sản xuất điện hạt nhân. (Ảnh SAFCEI)

Ông Gatete cho biết: "Châu Phi là một nhân tố chủ chốt trong sản xuất uranium. Điều quan trọng là phải thu hẹp khoảng cách năng lượng và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng bằng công nghệ hạt nhân sạch, phát thải thấp".

Tại hội nghị, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng của nước chủ nhà Rwanda Jimmy Gasore cho biết Rwanda cam kết phát triển năng lượng hạt nhân và một chiến lược năng lượng hạt nhân bền vững, khả thi về mặt tài chính là điều cần thiết để bảo đảm tương lai năng lượng của châu Phi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năng lượng hạt nhân là cần thiết để đạt mục tiêu trung hòa carbon của thế giới, trong bối cảnh tình hình nguồn cung dầu mỏ quốc tế đã trở nên khá bất ổn trong những năm gần đây và có những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) cần một lượng điện đáng kể. Các năng lượng tái tạo khác như năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió không ổn định.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi các "gã khổng lồ" công nghệ bắt đầu nhận ra tiềm năng của năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng cho các trung tâm dữ liệu. Các ngân hàng lớn và nhiều quốc gia đã cam kết ủng hộ năng lượng hạt nhân. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế dự báo, các lò phản ứng nhỏ có thể chiếm khoảng 25% thị trường hạt nhân vào năm 2050.

Tại Bắc Phi, trong chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của quốc gia, Cơ quan quản lý các nhà máy điện hạt nhân (NPPA) Ai Cập vừa công bố kế hoạch xây dựng cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại Nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa trong năm 2025.

Theo ông Amjad El-Wakeel, Chủ tịch NPPA, cơ sở mới sẽ được trang bị công nghệ tiên tiến, bảo đảm khả năng lưu trữ an toàn chất thải hạt nhân lên đến 100 năm. Nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa, nằm cách thủ đô Cairo 320 km về phía Tây Bắc, được phát triển với sự hợp tác của tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc doanh Rosatom của Nga, bao gồm 4 lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò có công suất 1,2 GW, tương tự các lò phản ứng đang vận hành tại Nga và Belarus. Với tổng vốn đầu tư 30 tỷ USD, trong đó 85% được Nga tài trợ thông qua khoản vay ưu đãi, dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầy đủ từ năm 2030.

Tại miền nam châu Phi, theo Tập đoàn điện lực quốc gia Nam Phi-Eskom, đã đồng bộ hóa thành công đơn vị 2 của Nhà máy điện hạt nhân Koeberg tại Cape Town vào lưới điện quốc gia, cung cấp thêm 930 MW cho lưới điện. Nam Phi hiện là quốc gia châu Phi duy nhất vận hành nhà máy điện hạt nhân với đơn vị 1 của Koeberg được đưa vào vận hành lần đầu tiên vào tháng 7/1984 và đơn vị hai được đưa vào vận hành vào tháng 11/1985. Tổng cộng 2 đơn vị của Nhà máy Koeberg có thể cung cấp 1.860 MW cho lưới điện quốc gia-khoảng 5% tổng nguồn cung cấp điện của Nam Phi.

Giám đốc điều hành Tập đoàn phát điện của Eskom Bheki Nxumalo cho biết, khi Nam Phi dần loại bỏ một số nhà máy điện chạy bằng than vào năm 2030, năng lượng hạt nhân sẽ sẵn sàng cung cấp nguồn điện cơ bản ổn định và đáng tin cậy.