Buổi tọa đàm nằm trong chiến dịch “It Takes a World - Chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học” do Tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017, “Người bình dị phi thường” là sáng kiến khích lệ và thúc đẩy việc làm cụ thể của mọi thành phần trong xã hội để góp phần tạo nên môi trường an toàn, tích cực và tràn đầy yêu thương, nơi mọi trẻ em được phát triển một cách toàn diện.
Tọa đàm tập trung chia sẻ các góc nhìn và cách thức để cha mẹ, người chăm sóc hỗ trợ trẻ em đối mặt, hành xử phù hợp và giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong cuộc sống.
Sự kiện cũng là dịp để cha mẹ nhận thức rõ hơn về vai trò, ảnh hưởng của mình tới cách xử lý mâu thuẫn của con cái, từ đó điều chỉnh lời nói, thái độ và hành động để góp phần vun đắp cho tương lai của trẻ, nơi tình yêu thương, sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau luôn hiện hữu.
Tham gia buổi tọa đàm, với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công việc lắng nghe, tiếp nhận và gỡ rối những tâm sự của lứa tuổi trẻ em, vị thành niên, nhà báo Hoàng Anh Tú nêu quan điểm, dù ở thời đại nào, kể cả ngày xưa hay ngày nay, mâu thuẫn trong gia đình đều rất giống nhau.
Có nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rằng những mâu thuẫn họ gặp với bố mẹ ngày trước nay cũng lặp lại như vậy với con của mình. Cũng có nhiều bạn đã gửi thư đến tôi chia sẻ rằng Tại sao bố mẹ không nghe con, Tại sao bố mẹ không tin con, Tại sao bố mẹ không hiểu con?... Chúng ta từng là trẻ con, từng bức xúc khi có những khúc mắc với cha mẹ, nhưng giờ lại gặp phải vấn đề đó với con mình. Điều này bắt nguồn từ tình yêu thương, tuy nhiên chính yêu thương khiến nhiều cha mẹ lo sợ quá, áp đặt, kìm kẹp con, quên mất việc lắng nghe còn. Chúng ta nói muốn con được hạnh phúc, nhưng Chỉ khi bố mẹ hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc. Chính cách bố mẹ hạnh phúc với những gì đang có thì con mới có thể hạnh phúc. Nhiều người không biết rằng, đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự hiện diện, lắng nghe của bố mẹ mình”.
Từ góc độ cơ quan quản lý, Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Khi cuộc sống càng phát triển, mâu thuẫn sẽ càng phát sinh. Các thành viên trong gia đình có quyền ngang nhau và tất nhiên trẻ em cũng có sự tham gia tương đương với cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cha mẹ, đặc biệt các phụ huynh ở vùng sâu vùng xa, không được tiếp cận với việc giáo dục làm cha mẹ.
Vì vậy, chúng tôi đã đặt ra những chỉ tiêu về số lượng cha mẹ được tiếp cận thông tin, hướng dẫn làm cha mẹ, trong đó, có những tài liệu hướng dẫn cách xây dựng mối quan hệ với con, cách nói chuyện với con, hướng dẫn cho con.
Để có thể hỗ trợ cha mẹ giáo dục con cái và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, Vụ Gia đình đã thực hiện các chương trình như Giáo dục hệ thống Gia đình, trong đó biên tập các bộ tài liệu giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện những nghiên cứu giáo dục trẻ em,... Bên cạnh đó, Vụ cũng phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện các chương trình bảo vệ Trẻ em và làm cha mẹ”.
Cũng theo ông Quý, việc làm cha mẹ giống như thả diều, nếu giữ quá chặt thì diều không thể bay lên, nhưng nếu thả tay ra thì diều sẽ bay đi mất. Giữ từng nào, thả ra sao chính là điều mà cha mẹ cần học hỏi và thực hành mỗi ngày, đặc biệt là khi có mâu thuẫn xảy ra.