Nhân rộng mô hình giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường

Những năm qua, việc thực hiện, nhân rộng các mô hình "Chống rác thải nhựa", đã huy động sự phối hợp tham gia tích cực của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Ðoàn viên, thanh niên quận Hà Ðông (Hà Nội) tặng túi vải thân thiện môi trường cho người dân tại chợ Văn La. (Ảnh CHÂU LOAN)
Ðoàn viên, thanh niên quận Hà Ðông (Hà Nội) tặng túi vải thân thiện môi trường cho người dân tại chợ Văn La. (Ảnh CHÂU LOAN)

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng 10% trong rác thải sinh hoạt. Hiện nay, ở Việt Nam, mỗi năm thải ra khoảng 3,2 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi ni-lông. Hơn 80% trong số đó bị thải ra môi trường sau khi dùng một lần.

Thực tế tại Hà Nội, mỗi ngày phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có hơn 1.000 tấn rác thải nhựa. Số lượng chất thải nhựa này vẫn chưa được thu gom và xử lý riêng, phần lớn bị lẫn với chất thải rắn sinh hoạt, được đưa đến xử lý tại bãi chôn lấp.

Trước thực trạng này, Hà Nội đang nỗ lực loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Các hội viên hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên... đã phát huy vai trò xung kích, chủ động, sáng tạo trong việc hưởng ứng, xây dựng mô hình phong trào phòng, chống rác thải nhựa bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, góp phần giảm ô nhiễm môi trường ở địa phương.

Nổi bật trong các mô hình này, phụ nữ quận Hà Ðông đã xây dựng mô hình "Chống rác thải nhựa, túi ni-lông", triển khai rộng rãi tại các chi hội phụ nữ. Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã phát hơn 2.000 làn nhựa giúp chị em đi chợ, nhằm hạn chế sử dụng túi ni-lông. Ngoài việc sử dụng làn nhựa của các bà, các mẹ đã nghỉ hưu, nhiều cán bộ, công nhân viên chức còn chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi ni-lông tự phân hủy...

Bà Hoàng Thị Quý, ở quận Hà Ðông cho biết: "Trước kia tôi đi chợ luôn dùng túi ni-lông mà người bán hàng đưa, nhưng từ khi được tuyên truyền sử dụng làn nhựa, ngày nào đi chợ, tôi cũng chủ động đem theo làn nhựa. Ban đầu sử dụng làn thay thế túi ni-lông cũng thấy hơi lỉnh kỉnh, nhưng dùng rồi thành quen, nếu tất cả người dân đều sử dụng thì sẽ giảm ô nhiễm môi trường".

Từ những sáng kiến nhỏ trong cuộc sống, mà các mô hình như "Ðổi phế liệu giữ màu xanh", "Thùng rác thân thiện", "Thùng rác từ thiện"... của hội phụ nữ ra đời, phát triển và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư. Ðiểm nổi bật của các mô hình này là đã thu hút đông đảo các bà, các mẹ, chị em cùng tham gia.

Cùng với các mô hình chống rác thải nhựa hiệu quả của Hội Phụ nữ, mới đây Thành đoàn Hà Nội tổ chức triển khai Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa năm 2024 tại chợ Quỳnh Ðô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chương trình nhằm tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên, người dân nâng cao ý thức, để mỗi người dân đến chợ, mỗi tiểu thương đều hạn chế sử dụng túi ni-lông, hạn chế rác thải nhựa.

Với chủ đề "Thanh niên Thủ đô xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", Thành đoàn Hà Nội ra mắt 3 đội hình tình nguyện: Ðội hình tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa; Ðội hình bóc xóa quảng cáo, rao vặt; Ðội hình giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa. Các đội hình thực hiện nhiệm vụ ngay sau lễ ra quân với các hoạt động tuyên truyền, phát làn nhựa và túi rác phân hủy sinh học cho người dân với mong muốn mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cá nhân sẽ nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế rác thải nhựa...

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để góp phần chống rác thải nhựa, ngoài việc ban hành các văn bản phòng chống rác thải nhựa và túi ni-lông, thành phố còn phát động nhiều phong trào, triển khai nhiều mô hình "Chống rác thải nhựa", thu hút các sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương và nhân dân tham gia.

Cụ thể, hội liên hiệp phụ nữ 30 quận, huyện, thị xã triển khai mô hình "Ðổi phế liệu giữ màu xanh, gây quỹ từ thiện", "Tái chế rác thải nhựa", "Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ", "Ngôi nhà xanh thu gom phế liệu". Trong hai năm 2022-2023, quận Hoàn Kiếm triển khai chương trình "Giảm rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn", thu hút hơn 7.000 hộ dân tham gia phân loại rác thải nhựa giá trị thấp tại nguồn. Tại huyện Ðông Anh, 100% số xã, thị trấn triển khai đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn...

Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa mất từ hàng trăm đến hàng nghìn năm để tự phân hủy. Khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác trên các bề mặt nước, đất, rác thải nhựa sẽ gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng đến mọi sinh vật sống, bao gồm cả con người. Do vậy, để phong trào "Chống rác thải nhựa" đạt hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, cùng với việc nhân rộng các mô hình "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn thành phố, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, chung tay phòng chống và giảm thiểu rác thải nhựa; vận động người dân tích cực phân loại rác tại hộ gia đình; thực hiện các biện pháp thu gom, tái sử dụng, tái chế các sản phẩm từ nhựa và túi ni-lông khó phân hủy; thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông bằng các vật liệu hữu cơ thân thiện môi trường trong việc mua bán sản phẩm, hàng hóa trong đời sống hằng ngày.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và đề xuất kịp thời với ngành chức năng xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; khuyến khích, vận động và hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, siêu thị trung tâm thương mại, các chợ tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế sản phẩm nhựa, túi ni-lông khó phân hủy; vận động các hộ tiểu thương, các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng thay bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.