Ở nhiều tuyến đường, ngõ hẻm của thành phố, những năm qua, các “mắt thần” được lắp đặt ngày càng dày. Trên địa bàn thành phố hiện có 4.258 đầu thu với hơn 30.000 mắt camera.
Nhờ có các “mắt thần” mà cơ quan chức năng đã sớm điều tra, khám phá nhiều vụ án, bắt được nhiều đối tượng; chủ động xử lý, giải quyết các vụ gây rối tình hình an ninh, trật tự; có tác dụng phòng ngừa, truy bắt tội phạm.
Đáng chú ý, mô hình lực lượng công an quận, huyện ra quân giúp dân tiếp cận các tiện ích của công nghệ 4.0 thực hiện dịch vụ công và tố giác tội phạm đã được triển khai tại 10/22 địa phương.
Với mô hình này, lực lượng công an thực hiện hiệu quả hơn việc quản lý cư trú, phòng chống tội phạm tại chung cư cao tầng trên địa bàn quận, huyện để phát hiện các đối tượng truy nã, quản lý người cư trú ở các chung cư, khu dân cư.
Tại nhiều địa phương, các mô hình về nhóm hộ tự quản về an ninh trật tự; nhà trọ tự quản về an ninh trật tự; chốt dân phòng tự quản; tổ tự quản vì an ninh trật tự khu vực chung cư; xe ôm tự quản,... đều cho thấy sự hiệu quả và ổn định suốt nhiều năm qua.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Trần Kim Yến cho biết: Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Trong 22 loại mô hình, giải pháp được phát động thực hiện, có 10 mô hình đang hoạt động có hiệu quả.
Có thể kể đến các mô hình tiêu biểu như: “Câu lạc bộ gia đình phòng, chống tệ nạn xã hội” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố; Hội Người cao tuổi phối hợp với cơ sở tôn giáo phòng, chống tội phạm; Câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ; “Đội hình thanh niên xung kích phòng, chống tội phạm tại phường, xã, thị trấn”... đã và đang là chỗ dựa đáng tin cậy của người dân tại các địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an thành phố cho rằng: Qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa công an với Mặt trận Tổ quốc về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” giai đoạn 2013-2023, các bên đã bám sát tình hình thực tế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phong trào.
Hoạt động này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân. Việc lồng ghép nội dung phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vào mục tiêu, chỉ tiêu thi đua của các cơ quan, đơn vị mang ý nghĩa, hiệu quả thiết thực.
Việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình được thực hiện thực chất, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên từng địa bàn. Các mô hình đi vào hoạt động đã từng bước củng cố kiện toàn và phát huy hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới theo hướng xã hội hóa ngày càng cao, góp phần hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa phương.
Đánh giá về những hạn chế, vướng mắc trong quá trình phối hợp giữa các đơn vị, địa phương, Công an thành phố nhận định: Đa số các mô hình được lập hồ sơ để quản lý, tuy nhiên hồ sơ các mô hình còn thiếu một số văn bản, tài liệu, chưa bảo đảm theo đúng các hướng dẫn của Bộ Công an và Công an thành phố.
Ngoài ra, còn một số mô hình chưa có hồ sơ, hồ sơ bị thất lạc. Kinh phí để duy trì hoạt động của các loại mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có các nguồn từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa, đơn vị chủ quản hỗ trợ... gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, do chưa có quy định, hướng dẫn của Sở Tài chính thành phố.
Trong giai đoạn tiếp theo (2023-2033), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Công an thành phố, các tổ chức thành viên đề ra bảy nội dung trọng tâm trong thực hiện chương trình “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, trong đó, phối hợp, định hướng, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”.
Các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn, lĩnh vực nhằm chủ động, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền sớm giải quyết những vụ việc phát sinh phức tạp an ninh, trật tự ngay từ đầu; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, gắn với các phong trào lớn; phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng khu phố, người có uy tín, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo, dân tộc làm hạt nhân trong “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.