Nhân lên vòng đời của vải vụn, nhân luôn cả những nụ cười

NDO - Nhiều năm qua, xưởng may đặc biệt của những người khuyết tật tại Sơn Trà (Đà Nẵng) đã không ngừng nhân lên vòng đời của vải vụn, đồng thời nhân thêm cả những nụ cười tương lai cho nhóm yếu thế trong xã hội.
Nụ cười ở xưởng may hạnh phúc.
Nụ cười ở xưởng may hạnh phúc.

Căn nhà nhỏ nằm trên đường Võ Trường Toản (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lúc nào cũng tràn ngập âm thanh, tiếng cắt may, tiếng nói cười. Ở đó có một xưởng may đặc biệt của những người thợ khuyết tật.

Được thành lập từ năm 2018 bởi chị Mai Thị Dung, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng Đà Nẵng (Cormis) có mục tiêu giúp đỡ những nhóm người yếu thế hòa nhập cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, Cormis đã tạo việc làm cho người lao động và thực hiện các hoạt động mang ý nghĩa xã hội... đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Đặc biệt, chị Dung đã thực hiện dự án “Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc”. Đây là công việc tạo ra những sản phẩm để kinh doanh từ các loại rác tái chế như: vải, lưới, bao gạo… tạo kế sinh nhai cho những người khuyết tật.

Nhân lên vòng đời của vải vụn, nhân luôn cả những nụ cười ảnh 1

Xưởng may không chỉ nhân lên vòng đời của vải vụn mà còn mang tới sinh kế bền vững cho nhóm người yếu thế.

Chia sẻ về ý tưởng dự án, chị Mai Thị Dung cho hay: “Khi nhắc đến vấn đề rác thải ảnh hưởng đến môi trường hay việc tái chế rác thải thì mọi người thường chỉ quan tâm đến rác thải nhựa, trong khi rác thải vải là vấn nạn ô nhiễm thứ 2 trên toàn cầu".

Do đó, thông qua dự án, Cormis muốn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; đồng thời thay đổi thói quen tiêu dùng của cộng đồng. Ngoài ra, thanh niên, người khuyết tật sẽ được học hỏi kỹ năng kinh doanh để tăng thu nhập... thông qua việc kết nối các bên liên quan, huy động các nguồn lực sẵn có, hướng đến phát triển bền vững.

Là một thành viên của xưởng may "nụ cười", anh Đức vốn bị khiếm thính từ nhỏ và phải đối mặt bởi sự kỳ thị của mọi người. Gia nhập mái nhà Cormis từ năm 2023, rất nhanh, anh đã được đào tạo nghề và làm được nhiều mẫu túi tái chế, kể cả những mẫu rất khó.

Hiện tại, Đức đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt tại Cormis, nơi anh đã tìm thấy sự tự tin và niềm vui khi làm công việc ý nghĩa này.

Nhân lên vòng đời của vải vụn, nhân luôn cả những nụ cười ảnh 2

Vải vụn được biến thành những sản phẩm đẹp đẽ.

“Chính sự động viên, niềm tin và sự tôn trọng, tin tưởng của cộng đồng khuyết tật đã giúp tôi vượt lên chính mình. Tôi tự hào khi bản thân có thể tạo ra giá trị cho cộng đồng và xã hội”, anh Đức nói.

Không chỉ coi tái chế vải vụn là tạo kế sinh nhai cho anh chị em khuyết tật, với chị Dung, quan trọng hơn là lan tỏa tình yêu tái chế và lối sống xanh tới cộng đồng. Dự án “Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc” biến vải vụn thành những đồ vật mới sẽ góp phần giảm tỷ lệ rác thải từ vải, góp phần bảo vệ môi trường. Gặp bất kỳ ai, chị cũng tỉ mỉ giới thiệu sản phẩm, chia sẻ hành trình tử tế của những mảnh vải vụn vốn đã bỏ đi.

Hiện, dự án “Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc” hiện đã phát triển khoảng hơn 100 mẫu sản phẩm đa dạng được tái chế từ vải thừa, vải đã qua sử dụng như các loại túi, cặp đựng tài liệu, ví tiền, tạp dề, ba lô, băng đô, bao gối… đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Giá của mỗi sản phẩm sẽ dao động từ 10.000-300.000 đồng. Với những sản phẩm hoàn toàn làm thủ công bằng tay như khâu, thêu thì sẽ có giá cao hơn, khoảng từ 1 triệu đồng trở lên.

Điều đáng mừng hơn là dự án cũng đã được biết đến rộng rãi. Bên cạnh việc bán những sản phẩm đơn lẻ, dự án giờ đây còn nhận những đơn hàng với số lượng lớn, hay mở những workshop về tái chế vải, hướng dẫn tái chế cho sinh viên quốc tế… Đến nay chương trình “Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc” đã xây dựng được 4 nhóm tái chế tại 4 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế với hàng chục thành viên nòng cốt.

Trong tương lai, chị Dung mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có thể đồng hành cùng với nhóm, chia sẻ sáng kiến về cộng đồng, hỗ trợ để dự án có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên hành trình bảo vệ môi trường.