Muốn thúc đẩy sự hòa nhập cho người yếu thế

Là người khiếm thị, song Vũ Hải Anh (sinh viên năm thứ hai Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Đá bằng nghị lực đã vượt khó vươn lên. Mới đây, Hải Anh được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 "Gương thanh niên sống đẹp 2024". Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng Hải Anh về cuộc sống hiện tại và những dự định trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Muốn thúc đẩy sự hòa nhập cho người yếu thế

Phóng viên (PV): Bạn có thấy mình thật đặc biệt khi là một trong 20 gương thanh niên sống đẹp của năm?

Vũ Hải Anh: Mỗi người có một cách sống, việc làm khác nhau nhưng cùng góp thêm hương sắc vào “vườn hoa” sống đẹp của thế hệ thanh niên. Việc được tôn vinh đã nhắc nhở tôi phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong các hoạt động thúc đẩy sự hòa nhập bình đẳng của người yếu thế ở Việt Nam, cụ thể là tạo ra môi trường để người khuyết tật có thể sống, học tập và làm việc một cách bình đẳng như tất cả mọi người.

PV: Thời gian qua bạn đã thúc đẩy môi trường sống bình đẳng cho người khuyết tật như thế nào?

Vũ Hải Anh: Tôi rất tâm huyết trên vai trò quản lý của dự án hành chính công trực tuyến với người khuyết tật tại Việt Nam. Đây là dự án được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến của người khuyết tật, đồng thời kêu gọi sự chung tay vào cuộc của các bộ, ban, ngành trong việc cải thiện hệ thống dịch vụ hành chính công thân thiện, dễ tiếp cận với cộng đồng người khuyết tật. Ngoài ra, dự án cũng thực hiện sản xuất bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến riêng cho nhiều đối tượng khuyết tật khác nhau. Điểm cuối của dự án là chúng tôi đã tổ chức thành công hội thảo “Góc nhìn người khuyết tật với chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công trực tuyến” giữa các bên là nhà tài trợ, đối tượng hưởng lợi của dự án, các cơ quan tổ chức.

PV: Bạn thấy hiện nay người khuyết tật ở Việt Nam cần được hỗ trợ ra sao?

Vũ Hải Anh: Người khuyết tật ở Việt Nam cần được giúp đỡ và hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là trong việc cung cấp các phương tiện, máy móc hỗ trợ với dạng tập và cách chuyển đổi các hình thức học, thi cử. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu với điều kiện của nước ta thì rất khó so sánh được với các nước tiên tiến khác, bởi thế mỗi người khuyết tật hãy tự tìm lối đi và cách làm cho riêng mình.

Tôi luôn quan niệm, trước khi mong chờ vào sự giúp đỡ của người khác thì chúng ta hãy tận dụng những gì mình đang có để tìm ra lối đi khác biệt nhưng vẫn phải hòa chung với cộng đồng. Điều này thật sự rất khó nhưng chỉ có như thế thì người khuyết tật mới có thể sống, học tập, làm việc như mọi người.

PV: Để đến với giảng đường đại học, bạn đã phải rất nỗ lực, quyết tâm. Vậy động lực lớn nhất mà bạn dựa vào là gì?

Vũ Hải Anh: Là mẹ tôi. Hồi nhỏ, cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn, có những ngày phải chạy ăn, vay mượn để có thể trang trải cuộc sống nhưng mẹ tìm mọi cách để có thể cho tôi đi học. Khi chưa biết đến chữ nổi, mẹ cắt những miếng xốp với các chữ cái để tôi có thể sờ. Mẹ đọc báo cho tôi nghe, đặc biệt trong những câu chuyện mẹ đọc, trong những lời dạy của mẹ luôn có những bài thơ, câu nói của Bác Hồ kính yêu. Và có lẽ chính vì hạt mầm nuôi dưỡng tốt lành ấy đã khiến tôi vững vàng trước những biến cố của cuộc sống.

PV: Còn gần 3 năm nữa sẽ ra trường, bạn đã có dự định gì cho thời gian tới?

Vũ Hải Anh: Ước mơ của tôi sau khi ra trường là có thể ứng cử vào một vị trí truyền thông của một doanh nghiệp xã hội hoặc tổ chức phi chính phủ để phát huy thế mạnh của truyền thông trong việc kết nối cộng đồng. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn sẽ thành lập được một doanh nghiệp để vừa trợ giúp cho những người yếu thế, vừa tạo công ăn việc làm cho các bạn sinh viên với mô hình như xe ôm công nghệ hiện đại. Tôi cũng rất yêu thích công việc MC, những công việc liên quan đến giọng nói và hy vọng mình sẽ truyền cảm hứng đến cho nhiều người.

Tôi không muốn mình trở thành người sống vì lòng thương, sống nhờ vào sự trợ giúp của cộng đồng mà muốn bản thân phải làm được việc mà mọi người làm được bằng cách riêng của mình. Quan điểm sống của tôi là cứ đi rồi sẽ đến, cứ làm rồi sẽ tìm ra được giải pháp.

PV: Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện và chúc những dự định của bạn sớm thành hiện thực.