Nhân lên sự tự tin cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Được triển khai ở hai xã thuộc huyện Ba Bể (Bắc Cạn) từ tháng 7-2015 đến tháng 6-2018, Dự án Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã cho thấy một cách làm mới mang lại nhiều kết quả tốt. Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (HLHPN) Bắc Cạn đã chủ động nhân rộng phương pháp “đồng nghiên cứu” ra thêm năm xã thuộc năm huyện ở ngoài địa bàn dự án.

Dự án đã lập được 21 nhóm “đồng nghiên cứu” với 94 thành viên là phụ nữ DTTS. Phương pháp “đồng nghiên cứu” khuyến khích những “nghiên cứu viên” phát hiện và nêu lên những vấn đề từ thôn, bản của mình. Họ được học phương pháp photovoice, dùng máy ảnh chụp những gì mình nhìn thấy và kể những câu chuyện muốn nói cùng với bức ảnh.

Những phụ nữ người dân tộc Tày, Dao, Mông đã nêu lên những nỗi lo lắng trong cuộc sống hằng ngày đang diễn ra cùng với những mong muốn mộc mạc của họ. Đó là nỗi lo những người trẻ không còn biết hát then, hát lượn; lo trẻ em bỏ học vì trường ở xa không có lớp học bán trú; mong dạy được thanh niên biết làm trang phục dân tộc; mong được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn đen và được hỗ trợ gây giống đàn lợn đen ở địa phương… Họ nhận thấy rằng, mỗi việc chung của thôn, bản đều cần được thảo luận, bàn bạc với người dân.

Điều thu được lớn hơn từ Dự án là từ những phụ nữ người DTTS quanh năm chỉ biết cam chịu, các chị đã thay đổi hẳn, sự tự tin tăng lên đáng kể. Các nhóm “đồng nghiên cứu” của Dự án đã mạnh dạn đề xuất 18 sáng kiến để khắc phục những hạn chế mà họ nhìn thấy: mở lớp dạy hát then, hát lượn cho thanh thiếu niên, mở lớp bán trú ở trường học, cùng góp công, góp của để dựng lại nhà họp thôn, mở hội thi tìm hiểu trang phục dân tộc…

Những sáng kiến này đều được các cấp chính quyền và các ngành ở Bắc Cạn ủng hộ và hỗ trợ thực hiện. Việc quan tâm, ủng hộ những nỗ lực của các nhóm “đồng nghiên cứu”, lắng nghe và hỗ trợ những sáng kiến của cộng đồng làm cho việc nâng cao năng lực và tiếng nói của phụ nữ, trẻ em người DTTS… trở nên mạnh mẽ và thiết thực hơn.

Từ chỗ còn nhút nhát cho rằng “việc nghiên cứu là của cán bộ”, những phụ nữ DTTS đã tự tin hơn, dám nói lên những quan điểm, ý kiến của mình. Em Sằm Thị Xinh, người Mông ở xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể chia sẻ: “Bây giờ em không sợ phát biểu rồi. Trước đây thì không dám nói đâu”.

Câu chuyện của những phụ nữ DTTS tham gia Dự án chỉ là một câu chuyện nhỏ trong những chuyển biến đã được khởi động ở tỉnh Bắc Cạn. Dự án đã khép lại nhưng công việc tiếp theo của chính quyền, của các ngành, của Hội phụ nữ là duy trì, phát huy những kết quả đạt được và lan tỏa rộng hơn những cách làm hay và mô hình tốt.